Ông Dương Trung Quốc: Doanh nghiệp đổ vỡ thì tiên trách kỷ, hậu trách nhân
10 năm trước, một bản đề xuất ra đời Ngày Doanh nhân Việt Nam đã được gửi lên Văn phòng Chính phủ và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
“Tôi quan niệm, việc đề xuất nhận được sự đồng ý rất nhanh từ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã thể hiện sự chín muồi về môi trường của công cuộc đổi mới, nhu cầu và sự đồng thuận của người dân cả nước với tinh thần của Chính phủ, đặc biệt là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải”, đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc nói trong cuộc trao đổi với BizLIVE, khi cùng nhìn lại một thập kỷ đã qua của Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Đặt địa vị doanh nhân đúng tầm
Cuối tháng 8/2004, ông và ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã gửi đề xuất ra đời Ngày Doanh nhân Việt Nam lên Văn phòng Chính phủ và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Chỉ trong một thời gian ngắn, đến ngày 20/9, nguyên Thủ tướng đã ký quyết định chọn 13/10 làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Từ góc nhìn của ông, vì sao đề xuất đó được thông qua nhanh như vậy?
Năm 1945, hơn một tháng sau ngày tuyên bố độc lập, Bác Hồ đã gửi một bức thư cho giới công thương. Nội dung đáng chú ý nhất là lần đầu tiên nhìn nhận giới công thương là lực lượng quan trọng của dân tộc, trong khi trước đó, có thời kỳ chúng ta đã đặt ở địa vị rất thấp.
Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm rõ ràng, với tư tưởng đổi mới từ rất sớm.
Đáng tiếc, tư tưởng của Người không được đi ngay vào đời sống, bởi vì đất nước chúng ta bước vào cuộc chiến tranh lâu dài, và sau đó có thời kỳ mà sự ấu trĩ trong nhận thức chính trị cũng cản trở sự phát triển của đất nước, làm thui chột đi những nguồn lực vốn đã yếu kém...
Tôi quan niệm, việc đề xuất nhận được sự đồng ý rất nhanh từ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã thể hiện sự chín muồi về môi trường của công cuộc đổi mới, nhu cầu và sự đồng thuận của người dân cả nước với tinh thần của Chính phủ, đặc biệt là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Theo ông, sau 10 năm nhìn lại, Ngày Doanh nhân Việt Nam đã có những ảnh hưởng gì tới cộng đồng doanh nhân trong nước?
Một ấn tượng của tôi trong năm đầu tiên có Ngày Doanh nhân (2005) là chuyến thăm Mỹ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải mà tôi, anh Vũ Tiến Lộc và các doanh nhân cũng đi.
Lần đầu tiên chúng ta thấy, đi cùng Thủ tướng, ngoài quan khách về mặt chính trị nhà nước, còn có đội ngũ doanh nhân. Điều đó chứng tỏ, Chính phủ đã nhìn nhận doanh nhân là động lực phát triển của đất nước và nguồn lực của công cuộc hội nhập.
Chúng ta chứng kiến sau 10 năm, một thời gian không quá ngắn, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt đã trải qua những bước thăng trầm. Từ năm 2004 - 2007, có thể nói hầu hết doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng 2007 - 2008, doanh nghiệp đã chịu đựng rất nhiều khó khăn.
Nếu nhìn lại, tôi vẫn nghĩ một cách lạc quan. So với trước kia, chưa bao giờ chúng ta nghĩ đến việc có được đội ngũ doanh nhân lớn như vậy, cho dù đây vẫn đang là thời gian khó khăn, do có hàng vạn doanh nghiệp bị phá sản.
Điều này cũng cho chúng ta một thông điệp rõ ràng: thương trường không phải nơi ai cũng làm được. Đã có một thời kỳ phát triển mạnh mẽ, đầy hứng khởi, đơn giản vì có nhiều cơ hội. Đồng thời, đây là giai đoạn giải phóng nhận thức, giải phóng sức làm việc.
Tuy nhiên, đó cũng là thời kỳ phát triển rất mạnh nhưng cũng có phần mang tính phong trào, cơ hội, và dễ thấy là nhiều doanh nghiệp lớn lên và thành công do cơ hội đất đai mang đến. Và rồi cũng chính những doanh nghiệp nếu chỉ dựa vào điều đó thì cũng là những doanh nghiệp thất bát.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nhân mà tôi được tiếp xúc thì vẫn tồn tại thậm chí phát triển, cho dù họ có thể khó khăn hơn trước nhiều, tức là phải có nền tảng.
Hàng vạn doanh nghiệp bị đổ vỡ thì tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Có nguyên nhân do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, có yếu tố liên quan đến trách nhiệm Chính phủ, nhưng việc phát triển không bền vững, chụp giật và làm ăn không nghiêm túc cũng là bài học để không ít doanh nghiệp đi tiếp trên một con đường vững vàng hơn.
Nên nhìn trong biện chứng của đời sống. Đối với nhiều doanh nghiệp cụ thể, có thể là bi kịch lớn, nhưng nhìn tổng thể tôi cho rằng vẫn có nhiều tia hy vọng.
Tác động của Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi nghĩ, là cơ hội tạo ra mối quan tâm chung của xã hội với cộng đồng doanh nhân. Cho dù 364 ngày còn lại, doanh nghiệp vẫn phải bươn trải.
Kế thừa tinh thần dân tộc
Từ những tiếp xúc của ông với giới doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam những năm qua, ông thấy đâu là những ưu, nhược lớn nhất của họ trong giai đoạn hiện nay?
Tôi nghĩ, đáng mừng nhất gần đây là đội ngũ doanh nhân có học hành, bài bản ngày càng nhiều. Và đương nhiên nói đến doanh nhân phải nói đến nguồn lực, ngoài nguồn lực tự thân phải biết liên kết để tìm nguồn lực chung.
Năm 2015, khối ASEAN sẽ thành một cộng đồng, tôi thật sự lo lắng. Sau khi Metro từ ông chủ người Đức rơi vào tay doanh nghiệp Thái Lan, và hiện trong lúc khó khăn này, không ít doanh nhân nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội. Chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà ngay vào lúc ta hội nhập mạnh mẽ nhất.
Chúng ta đang vận động rất nhiều cho hiệp định TPP. Đây là định hướng đúng, một tương lai tốt, nhưng tương lai chỉ thực sự trở thành tương lai sáng sủa, lạc quan nếu ta có chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, lực lượng, tổ chức.
Tôi cảm thấy sự chuẩn bị của chúng ta chưa thấu đáo. Ta mải cố gắng đạt được mục tiêu, hơn là dấn thân vào mục tiêu. Tức là chưa thấy được khi đạt cái đó chúng ta sẽ như thế nào, nó mang lại lợi ích không, hay giữa tích cực và tiêu cực phải đong đếm ra sao để có bước đi chủ động, vì rất có thể tác dụng sẽ ngược lại: mở cửa khiến bị mất chỗ đứng.
Nội dung hiệp định TPP liên quan đến vấn đề nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm đặt ra yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực, phải thay đổi tư duy muốn ăn theo. Việt Nam có lẽ phải đặt mình cưỡi trên lưng hổ, vì hình như dân mình nói chung và doanh nghiệp của mình vẫn rất thụ động.
Nhìn vào sản xuất của Việt Nam trong thời gian qua, làm công tác nghiên cứu tôi liên tưởng đến một khái niệm mà bây giờ người ta ít nhắc đến nữa, đó là khái niệm “thực dân kiểu mới”.
Như vậy, nhược điểm có thể thấy ở doanh nghiệp Việt Nam chính là tầm nhìn ngắn hạn và đôi khi do lợi ích trước mắt. Cùng với năng lực liên kết yếu, đôi khi có một số doanh nhân sẵn sàng làm thuê, đánh mất đi truyền thống, bản sắc của mình. Kể cả thị trường Lào, Campuchia... chúng ta vẫn có thể mất chỗ đứng bất kỳ lúc nào nếu như chúng ta không cảnh giác, không tự vươn lên.
Nếu phải so sánh thế hệ doanh nhân hiện nay với thế hệ doanh nhân Việt Nam trước Cách mạng Tháng 8, ông thấy họ có những điểm gì chung và những điểm gì khác biệt?
Trước Cách mạng Tháng 8, giới công thương Việt Nam chưa trở thành một lực lượng của xã hội, vì nhiều đặc điểm của thời kỳ lịch sử.
Từ những ngày đầu tiên ra đời Ngày Doanh nhân, có người đã hỏi doanh nhân hiện có kế thừa điều gì từ các bậc tiền bối, chúng tôi nói rằng chỉ có mỗi tinh thần dân tộc...
Có không ít doanh nhân hiện là đại biểu Quốc hội. Là một đại biểu Quốc hội có nhiều năm “kinh nghiệm”, ông thấy những đại biểu Quốc hội - doanh nhân đã đóng góp như thế nào vào tiến trình lập pháp và giám sát cơ quan hành pháp?
Đương nhiên khi doanh nhân là tầng lớp xã hội quan trọng như vậy, việc họ có mặt trong Quốc hội là đúng. Nhưng điểm quan trọng là năng lực đến đâu, vì đại biểu Quốc hội đòi hỏi rất nhiều từ phẩm chất đến kỹ năng.
Đại biểu Quốc hội - doanh nhân có thực tế và từng trải, nên có thể đóng góp để bảo vệ lợi ích chung của chính cộng đồng doanh nhân.
Ngoài lá phiếu tác động trực tiếp, những ý kiến mang tính chất tham khảo từ các doanh nhân còn góp phần cho các đại biểu ở lĩnh vực khác chia sẻ, tiếp thu được và có quyết định đúng đắn, đặc biệt những vấn đề liên quan đến kinh tế.
Nhưng cũng phải dè chừng, vì không cẩn thận sẽ trở thành nhóm lợi ích, lobby chính sách để chính sách đó phù hợp cho nhóm lợi ích của mình, không phải cho toàn bộ doanh nhân.
Theo BizLIVE.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo