Ông lớn ngành xây dựng cũng ngập đầu vì công nợ
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ lâm vào tình trạng khốn đốn, mà ngay cả những “ông lớn” như Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) cũng phải kêu trời vì quá khó khăn.
Hầu hết dự án đều chậm tiến độ
Tại Hội nghị giao ban triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra ngày 6/7 tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn như: giá nguyên nhiên liệu tăng cao, thiếu vốn, trong khi lãi suất vẫn ở mức cao.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh Đỗ Phi Hùng cho biết, hầu hết 860 dự án trong thành phố đều chậm tiến độ. 50% số dự án chưa khởi công hoặc tạm dừng do thiếu vốn, khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Ví dụ, tại quận 9 có hơn 80 dự án trong tổng số 153 dự án chưa triển khai, quận 12 có 42 trên tổng 81 dự án chưa triển khai và quận 2 có 56 trên 252 dự án chưa triển khai.
Cũng theo ông Hùng, việc các dự án chậm triển khai, ngoài những nguyên nhân trên còn do sức mua của thị trường rất thấp ở hàng loạt các phân khúc, khiến cho số căn hộ tồn kho của thành phố lên tới 20.000 căn chưa bán được.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, khi trước đây nguồn vốn làm dự án chủ yếu là đi vay, có những doanh nghiệp vay tới 70 – 80% vốn đầu tư. Dự án kéo dài lâu, doanh nghiệp cũng bị thiệt hại lớn”, ông Hùng cho biết.
Điều đáng nói, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ lâm vào tình trạng khốn đốn, mà ngay cả những “ông lớn” như Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) cũng phải kêu trời vì quá khó khăn.
Ông Dương Khánh Toàn, Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà cho biết, đến nay mặc dù đã giữa năm 2012, nhưng các chỉ tiêu đề ra đều chưa thực hiện được bao nhiêu, vì vậy Tập đoàn sẽ buộc phải đều chỉnh lại kế hoạch cả năm.
Số công nợ của Tập đoàn cũng không ngừng tăng, năm 2010, công nợ của Tập đoàn khoảng 3.000 tỷ đồng, năm 2011 khoảng 6.500 tỷ đồng và đến nay, con số này đã lên tới 21.000 tỷ đồng, trong đó công trình trọng điểm chiếm tới 7.500 tỷ đồng.
"Chúng tôi sẽ phải điều chỉnh kế hoạch năm 2012, giá trị sản xuất kinh doanh và doanh thu sẽ giữ nguyên nhưng lợi nhuận không thể đạt được", ông Toàn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Toàn, cái khó của chủ đầu tư hiện nay là thiếu vốn, tiền ngân hàng có nhưng vẫn không ai dám vay vì lãi suất cao.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Nam Chủ tịch HUD cũng cho biết, 6 tháng đầu năm chỉ thực hiện được 40% kế hoạch đề ra. Và vì vậy, chắc chắn HUD cũng sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình.
Vẫn tiếp tục khó khăn
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, giao dịch địa ốc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều trầm lắng. Hà Nội chỉ có giao dịch tại những dự án sắp hoàn thành hoặc đã đưa vào sử dụng. Khách hàng phần lớn là những người ngoại tỉnh, gia đình trẻ mua căn hộ nhỏ 60-100 m2, giá 1,5-2,5 tỷ đồng, còn chung cư lớn ế ẩm.
Giá căn hộ chung cư, biệt thự, liền kề tiếp tục hạ nhiệt, có trường hợp giảm 50% so với năm 2010 (thời điểm giá địa ốc lên cao), nhưng vẫn rất ít giao dịch. Tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp không dám mở bán dự án mới.
Còn theo báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng tính đến hết tháng 5/2012, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong ngành xây dựng và bất động sản lần lượt là 3.798 và 212 doanh nghiệp, giảm 23,9% và 54,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Tổng số doanh nghiệp xây dựng kinh doanh có lãi là 36.083 doanh nghiệp, số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ là 8.900 doanh nghiệp. Tổng số các doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể lên tới 3.123 doanh nghiệp xây dựng và 247 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
So với cùng kỳ năm 2011, tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động của ngành xây dựng tăng 16%, chiếm 3,9% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và kinh doanh bất động sản.
Hơn 3.000 doanh nghiệp ngành xây dựng phải giải thể, dừng hoạt động
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập, chồng chéo. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, cũng phải kể đến trách nhiệm của chủ thể trong đầu tư xây dựng. Nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng hấp thụ vốn, hoặc nợ xấu nhiều nên không thể vay vốn thêm được nữa
Mặc dù nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản đã bắt đầu khởi sắc, nhưng theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong thời gian tới thị trường bất động sản trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể sôi động ngay được.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Cột tin quảng cáo