Ông lớn tập đoàn nhà nước sẽ được thoái vốn dưới mệnh giá
Bộ Tài chính đang xem xét cho phép số DNNN khó khăn thoái vốn ngoài ngành được thoái vốn dưới mệnh giá.
Thông tin được Thứ trưởng Vũ Thị Mai đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2013) trước lo ngại của nhóm các nhà tham vấn, rằng Việt Nam vẫn đang rất chậm chạp trong quá trình cơ cấu lại DNNN.
Đưa ra quan điểm về môi trường đầu tư tại Việt Nam, cộng đồng các nhóm công tác nêu quan điểm e ngại về sự chậm chạp trong tái cơ cấu khối DNNN, khiến nguồn vốn dành cho khối DN tư nhân bị ảnh hưởng.
Chủ tịch Hội hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam(JBA) ông Sato Motonobu thẳng thắn, trong khi các DNNN có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính thì có rất nhiều trường hợp các DN tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ chạy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp, và năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ không còn.
“Chúng tôi cũng hoài nghi về việc liệu Chính phủ có cần giữ cổ phần tại những DNNN có lợi nhuận hay không?”- ông Sato đặt câu hỏi.
Đại diện cho nhóm công tác thị trường vốn, ông Terry Mahony cũng kiến nghị, Chính phủ Việt Nam nên tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước bằng việc bán cổ phần Nhà nước trong các công ty cổ phần thuộc diện không nhạy cảm.
Thực tế, việc thoái vốn tại các DNNN đang rất ì ạch. Lãnh đạo khối DNNN, tập đoàn, tổng công ty không ngớt kêu ca về những khó khăn trong quá trình thoái vốn.
Bắt đầu thoái vốn ngoài từ năm 2009 nhưng tới thời điểm hiện tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn chưa thoái hết vốn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Điều trở ngại được Chủ tịch HĐTV ông Phùng Đình Thực chia sẻ, chính lại nằm ở điểm “vênh” giữa cơ chế chính sách thoái vốn và thực tế thị trường. Trong lúc “bán chẳng ai muốn mua thì chính sách lại đặt ra yêu cầu phải bảo toàn vốn Nhà nước”, khiến DNNN loay hoay xoay sở trong quá trình rút vốn Nhà nước ra khỏi các lĩnh vực đầu tư xa ngành nghề chính.
Tương tự, thoái vốn ngoài ngành tại “ông lớn” Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng gặp không ít trở ngại. Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri từng tâm sự, thoái vốn ngoài ngành tại EVN bị “bó” bởi chính sách. Một mặt quy định yêu cầu EVN phải thoái hết vốn nhưng lại “quàng” thêm điều kiện không được bán dưới giá vốn, phải bảo toàn vốn Nhà nước. Có lẽ vì thế đến nay EVN mới chỉ giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty bảo hiểm từ hơn 22% xuống 20%, trong khi việc thoái vốn tại ngân hàng An Bình, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản gặp trở ngại do cần phải làm nhiều thủ tục với cơ quan có thầm quyền và thiếu chính sách phù hợp.
Với tư cách đại diện “chủ nhà”, đáp lại đề xuất từ phía các nhóm công tác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, Bộ này đang nghiên cứu và sắp tới sẽ ban hành cơ chế để đẩy nhanh thoái vốn ngoài ngành của các DNNN và cổ phần hóa số DN này, sửa đổi việc giao, bán DN theo hướng sẽ cho phép DNNN thoái vốn dưới mệnh giá.
Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, quan điểm của Chính phủ về tái cơ cấu DNNN là rõ ràng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch rút số lượng DNNN từ 1.200 DN xuống còn 600 DN vào năm 2015. Năm 2012 Việt Nam chỉ thực hiện được cơ cấu lại 34 DN, 2013 mục tiêu là cơ cấu lại 234 DN nhưng tới thời điểm này mới chỉ cổ phần hóa được 115 DN.
“Đúng là trong quá trình cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN chúng tôi đang đi chậm, nhưng không có nghĩa chúng tôi dừng lại. Tới đây Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế để đẩy tiến trình này nhanh hơn, nhưng kiên định bán giá thị trường với những DNNN theo đúng lộ trình” – Phó Thủ tướng chốt lại.
InforNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo