Ông Nguyễn Đình Cung: Phải áp dụng “luật chơi” thị trường đối với DNNN
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc nhà nước sử dụng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để điều tiết thị trường là không phù hợp với nguyên tắc thị trường.
“Trong trường hợp này, không phải thị trường áp đặt ‘luật chơi’ cho DNNN mà trái lại DNNN đang áp đặt ‘luật chơi’ lên thị trường gây méo mó và bất bình đẳng với các chủ thể khác của thị trường”.
Ông Cung chỉ ra hàng loạt các nguyên tắc khác của thị trường vẫn chưa thực sự được áp dụng đối với các DNNN.
“Lời” không ăn mà lỗ lại phải chịu
Hiện nay, DNNN kinh doanh thua lỗ, không thanh toán được các khoản nợ đến hạn, không bị phá sản. Tức là chưa phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt của cạnh tranh thị trường. Nguyên tắc về “lời ăn lỗ chịu” đã không được thực hiện.
Nhà nước về cơ bản vẫn đứng ra gánh chịu các khoản nợ cho DN dưới hình thức giãn nợ, giảm nợ, chuyển nợ cho đơn vị khác hoặc bảo lãnh… Từ đó, những người có liên quan, như đại diện chủ sở hữu, người quản lý cũng không chịu ảnh hưởng bởi sự khắt khe, khắc nghiệt và công bằng của thị trường.
Ngược lại, nhà nước với tư cách là nhà đầu tư lại không nhận phần còn lại cuối cùng (lợi nhuận) về mình; số lợi tức có được từ DNNN không thành nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Như vậy, “lời” nhà nước không lấy, lỗ thì dân chịu, những người có liên quan trực tiếp không phải gánh chịu trách nhiệm.
DNNN không áp dụng đầy đủ giá thị trường của vốn
Cụ thể là, ngoài việc còn được hưởng một số tín dụng ưu đãi, lợi tức/vốn chủ sở hữu chỉ cần một số dương tối thiểu là đủ; DNNN không buộc phải tạo ra khoản lợi tức /vốn chủ sở hữu ít nhất bằng giá vốn trên thị trường.
Ngoài ra DNNN không nhất thiết phải cân nhắc, tính toán và đánh đổi các chi phí cơ hội để có được danh mục đầu tư tốt nhất, hiệu quả nhất.
DNNN bị rào cản về thể chế
Theo ông Cung, DNNN chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường một phần là do những rào cản về thể chế, bảo vệ vị thế và lợi ích của DNNN và các bên có liên quan, ngăn cản sự gia nhập của thị trường đối với các thành phần kinh tế khác.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước còn tiếp tục can thiệp theo phương thức hành chính, phi thị trường vào hoạt động kinh doanh và quản lý doanh nghiệp từ quyết định đầu tư, tổ chức kinh doanh, lựa chọn mô hình quản lý doanh nghiệp, lựa chọn cán bộ quản lý và tuyển dụng nhân công, tiền lương, tiền thưởng, thanh tra và giám sát.
Ngoài ra, các DNNN còn được giao thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội mà không được hạch toán riêng, hạch toán đầy đủ chi phí theo giá thị trường…
Các quyết định như trên cũng đang thực sự cản trở DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, cản trở DNNN phát huy tính tự chủ, năng động và sáng tạo – Ông Cung nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Đại biểu Quốc hội đề xuất áp thuế suất ưu đãi cho cơ quan báo chí
Giá nông sản ngày 28/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá vàng thế giới ngày 28/11: Phục hồi sau chuỗi ngày giảm sâu
Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC GAB bị xử phạt
Giảm thuế 15% với ngưỡng doanh thu 3 tỷ đồng khó mang lại hiệu quả thực tế