Ông Nguyễn Thiện Nhân "giật mình" về kết quả xử lý tham nhũng tại TP.HCM
Theo giấy mời được gửi đi, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương được tham dự buổi làm việc. Tuy nhiên, ngay sau khi phần giới thiệu chương trình kết thúc, lực lượng bảo vệ lần lượt mờ các phóng viên ra ngoài, đồng thời cho biết phóng viên có thể quay lại vào lúc bế mạc cùng ngày.
Theo chương trình dự kiến, các đại biểu sẽ nghe một số tham luận trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ở một số đơn vị như quận ủy Bình Tân, quận ủy Gò Vấp, quận ủy quận 2, Công an thành phố… Ngoài ra các đại biểu còn có thời gian thảo luận các vấn đề liên quan.
Trong phần kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn cho rằng thành phố có nhiều hoạt động quy mô nhưng kết quả chưa cao.
Ông gói gọn nguyên nhân, kết quả của hoạt động này trong các từ “ba không” và “hai một”. Theo ông, thành phố đã có 3 chương trình lớn nhưng kết quả đưa lại là con số 0.
Thứ nhất, thành phố có hơn 37.000 bản kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức nhưng không có ai bị xử lý tham nhũng. Thứ 2, dù có 10 triệu dân và hàng ngàn khiếu nại tố cáo mỗi năm nhưng báo cáo kết luận là chưa phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Đọc mà thấy giật mình!” – ông Nhân nói.
Thứ 3, năm 2017 thành phố tổ chức 43 đoàn kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu ở 63 đơn vị nhưng không xử lý trường hợp nào. Ông nhấn mạnh rằng điều này thể hiện sự “thiếu hiệu quả”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thiện Nhân còn chỉ ra rằng, dù có hai hoạt động nhưng kết quả phát hiện chỉ có một.
Cụ thể, kết quả phát hiện xử lý tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ phát hiện một trường hợp và hoạt động thanh tra cũng chỉ phát hiện một trường hợp có dấu hiệu tham nhũng.
Ông còn cho biết, riêng báo chí mỗi năm có khoảng 1.000 thông tin liên quan đến tham nhũng nhưng thành phố không tập hợp thông tin để xử lý. Khi tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ánh rất nhiều vụ việc có nguy cơ nhưng không có kết quả xử lý.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, trong năm 2018 thành phố phải tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt chú ý đến sự hài lòng của người dân. Do đó ông yêu cầu hàng quý xây dựng báo cáo đánh giá sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan Nhà nước.
Ông nhấn mạnh rằng phải nghiên cứu để từ kết quả thanh tra xem xét loại vi phạm nào có thể kết luận tham nhũng, lãng phí để xử lý, đừng vì thi đua, thành tích nên không chấp nhận đó là tham nhũng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đặc biệt chú ý đến việc thu hồi tài sản thất thoát. Số liệu thống kê cho thấy, số tiền cần thu hồi từ các vụ án xử lý tham nhũng trong năm qua chỉ có 42 tỷ đồng, điều này bị đánh giá là không tương xứng với thiệt hại, trong khi chỉ thu hồi được 1,7 tỷ đồng (4%) là rất thấp.
“Thất thoát 100 đồng mà thu hồi có 4 đồng thì thất thoát quá nhiều, phải bàn để có định hướng chứ không thả nổi” – ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?