Tin tức - Sự kiện

Ông Nguyễn Thiện Nhân: “Nhân dân cả nước bất bình trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc”

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: “Nhân dân tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Trung Quốc ngang ngược chưa chịu rút giàn khoan HD981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã nêu một số vấn đề tồn tại, nhức nhối trong dư luận thời gian qua.

1. Nhân dân bất bình việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 tại thềm lục địa Việt Nam
 
Đặc biệt, nhân dân cả nước rất bất bình về việc Trung Quốc đã ngang nhiên  hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, huy động một lượng lớn tàu, thuyền, kể cả tàu quân sự và máy bay để bảo vệ cho việc làm trái luật pháp quốc tế này, đe dọa và làm tổn hại tàu, thuyền của Việt Nam hoạt động hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nhân dân trong nước, kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài cực lực phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar ngày 11/5/2014 và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ngày 14/5/2014.
 
Nhân dân tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời làm cho Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ và ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, phản đối việc công khai vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa các nước ASEAN và Trung Quốc để Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giữ ổn định ở khu vực, đảm bảo tự do hàng hải quốctế, giữ gìn quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
Nhân dân cũng kiên quyết phản đối, lên án một số kẻ xấu đã tổ chức các hoạt động xâm phạm quyền, lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ủng hộ chủ trương của Chính phủ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến các nhà đầu tư và uy tín của đất nước.
 
2. Thương lái thu mua nông, lâm, sản trái phép vẫn tiếp diễn
 
Tình trạng thương lái nước ngoài thu mua nông, lâm, thủy hải sản trái phép vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi gây thiệt hại cho đất nước và bản thân nông dân. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kịp thời thông tin cho các cơ quan chức năng những biểu hiện bất thường trong việc thu mua hàng hóa của thương lái nước ngoài để có biện pháp xử lý.
 
 
3. Ngành y tế chống dịch chưa hiệu quả 
 
Cử tri và nhân dân phấn khởi trước những thành tựu, tiến bộ của ngành y tế trong thời gian qua, nhất là các thành tựu về áp dụng các giải pháp kỹ thuật cao để khám, chữa bệnh, về đầu tư xây dựng các cơ sở phục vụ, chăm sóc sức khỏe, tăng cường năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao y đức trong đội ngũ y, bác sỹ đã được quan tâm hơn.
 
Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều dịch, bệnh diễn ra liên quan đến công tác y tế dự phòng, như: dịch bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… Cử tri cho rằng, đây là những bệnh có thể phòng ngừa được nếu như làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động các nguồn lực phòng bệnh. Công tác truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh hiệu quả chưa cao, việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện chưa tốt dẫn đến số tử vong do sởi và liên quan tới sởi cao. Vệ sinh an toàn thực phẩm có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Cử tri đề nghị Bộ Y tế khẩn trương tổ chức kiểm tra và tăng cường hơn nữa công tác y tế dự phòng để phòng ngừa bệnh tật và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân; đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế trong việc tiêm vắc xin gây tử vong trẻ sơ sinh, dịch sởi làm chết nhiều trẻ em thời gian qua khiến dư luận bức xúc.
 
Cử tri và nhân dân tiếp tục đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, sớm có giải pháp giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; tiếp tục nâng cao y đức và chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ; thực hiện luân chuyển các bác sỹ có chuyên môn cao xuống làm việc ở các bệnh viện tuyến dưới, kết hợp với đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, góp phần giảm áp lực và tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương.
 
4. 72000 cử nhân thất nghiệp
 
 Về giáo dục và đào tạo, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện chủ trương đổi mới sách giáo khoa, theo đó, việc đổi mới cần tiếp tục được chuẩn bị kỹ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng để có sự thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chất lượng; không lãng phí  nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
 
Cử tri và nhân dân băn khoăn về thông tin 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm và đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp đồng bộ để tránh lãng phí nguồn lực của gia đình và xã hội. 
 
Nhiều ý kiến cử tri và nhân dân cho rằng, cần xem xét, điều chỉnh việc ưu tiên trong thi cử. Việc thực hiện chính sách ưu tiên đối với con em thương binh, liệt sỹ theo cách cộng điểm ưu tiên như hiện nay là chưa hợp lý; nên áp dụng hình thức ưu tiên bằng hỗ trợ kinh phí nhằm bảo đảm các điều kiện thiết yếu trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện công bằng trong giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
 
Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế, chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, khắc phục dần tình trạng chênh lệch về chất lượng chuyên môn giữa các trường ở cấp tiểu học, trung học ở các địa phương nhằm hạn chế tình trạng “chạy trường, chạy lớp”; có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đối với bậc đại học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần yêu nước, lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam cho học sinh, sinh viên; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu học tập trong nhân dân.
 
5. Chống tham nhũng chưa thực sự hiệu quả
 
Cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm và các giải pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Một số vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử kịp thời, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Thí dụ, đó là vụ án lợi dụng chức vu, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên; Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phòng giao dịch Ngân hàng Công thương Việt Nam – chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines);  Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Đăk Lăk –Đăk Nông; Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại Ngân hàng ACB…
 
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Công tác hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng vẫn còn chậm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, nhất là trong vấn đề kê khai tài sản. Việc phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán còn ít. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp.
 
Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tình trạng “tham nhũng vặt”, hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối. Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ, việc có biểu hiện nương nhẹ; vẫn còn tình trạng lạm dụng quyền hạn để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật. 
 
Nguyễn Hoàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo