Xã hội

Ông Vũ Anh Minh: Hạ tầng đường sắt nước ta giờ rất lạc hậu

Ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, kết cấu hạ tầng đường sắt của nước ta hiện giờ rất lạc hậu, tốc độ bảo trì cũng rất chậm

Ngày 14/8, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng dẫn đầu làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nhằm thực hiện các giải pháp liên quan đến bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017, theo tin tức Giáo dục Việt Nam.

Kết cấu hạ tầng đường sắt của nước ta hiện giờ rất lạc hậu. Ảnh Internet

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, với lịch sử 135 năm hình thành và phát triển và 2,8 vạn cán bộ công nhân viên, trên 3.000 km đường sắt đi qua 34 địa phương, trong thời gian qua, ngành đường sắt có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty đã đạt nhiều thành tựu, như doanh thu trên 3.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên mới đạt 45,1% kế hoạch năm. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng công ty năm 2016 đạt 6.500 tỷ đồng, so với năm 2015 giảm 12%. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ, hạ tầng đường sắt kéo dài từ Bắc đến Nam nhưng quá lâu đời, khổ đường sắt nhỏ, chất lượng tàu, toa xe, kho, cảng bốc xếp hàng hóa ít được quan tâm đầu tư, nâng cấp.

Việc kết nối ga đường sắt với ga hàng không, kết nối đường biển, các khu công nghiệp hay trọng điểm kinh tế cũng ít được quan tâm đầu tư. Điều đó đòi hòi ngành đường sắt phải đổi mới công nghệ, tái cấu trúc, xã hội hóa để tận dụng tối đa hiệu quả đầu tư, tăng sức cạnh tranh, tăng thị phần. 

“Giá cước vận tải đường sắt ở các nước rẻ nhất, an toàn nhất, nhưng với chúng ta, cần xem lại vấn đề quản trị, chất lượng, đội ngũ cán bộ, trong đó có yếu tố khách quan là công nghệ điều hành thủ công, mạng lưới kết nối tạo năng lực cạnh tranh của ngành đường sắt còn bất cập, tư tưởng bao cấp vẫn còn đè nén, trong thời kinh tế thị trường”, ông Dũng nói. 

 

Giải trình với Tổ công tác, ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, kết cấu hạ tầng đường sắt của nước ta hiện giờ rất lạc hậu, tốc độ bảo trì cũng rất chậm, báo Pháp luật Việt Nam đưa tin.

“Theo tốc độ bảo trì hiện nay thì phải mất 70 năm nữa mới quay hết một vòng bảo trì. Nhưng nếu đến 70 năm nữa thì không biết sản phẩm còn lại gì? Rồi khi ấy sẽ có những hạng mục bị hỏng nặng hơn thì tính thế nào?”, ông Minh nêu thực trạng.

Lý giải nguyên nhân hành khách không “mặn mà” với đường sắt, ông Minh thừa nhận: “Khách bỏ đường sắt là do chất lượng dịch vụ, mà dịch vụ ở đây chính là chất lượng vệ sinh. Để cứu vãn tình hình này, chúng tôi áp dụng giải pháp nâng cao chất lượng vệ sinh tàu ở cả 2 đầu ga, vệ sinh nội thất và ngoại thất”.

Ông Minh cũng cho biết, vì vận tải đường sắt vẫn là kinh tế xương sống của ngành giao thông vận tải nên Tổng Công ty quyết tâm giữ những ưu điểm của đường sắt như vận tải khối lượng lớn, tính an toàn, chỉ số đúng giờ cao, các ga đường sắt tạo điều kiện cho dân đi lại... Song song, ngành sẽ khắc phục những nhược điểm như tốc độ di chuyển còn chậm, chất lượng dịch vụ kém.

Về an toàn đường sắt, ông Minh cho biết Tổng Công ty đã có báo cáo, đề xuất với Chính phủ gói nâng cấp hàng trăm đường ngang giao cắt với đường sắt. Bởi thực tế có những điểm dù có còi, có biển báo nhưng lái xe vẫn cố cho vượt đường sắt, gây tai nạn và đường sắt cũng phải chịu không ít thiệt hại.

 

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Giáo dục Việt Nam, Pháp luật Việt Nam)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo