Thủ tướng đề nghị Tổng công ty Đường sắt làm rõ 6 vấn đề
Ngày 14/8, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã kiểm tra Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Đây là cơ quan thứ 31 Tổ công tác đến kiểm tra và là đơn vị thứ 6 được kiểm tra về việc thực hiện các giải pháp liên quan đến bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017, theo tin tức trên báo Điện tử Chính phủ.
Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết buổi kiểm tra nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao Tổng công ty và việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng sản lượng khai thác, vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để có hướng giải quyết hoặc biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh. Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, với lịch sử 135 năm hình thành và phát triển, 2,8 vạn cán bộ công nhân viên, trên 3.000 km đường sắt đi qua 34 địa phương, trong thời gian qua, ngành đường sắt có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty đã đạt nhiều thành tựu, như doanh thu trên 3.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên mới đạt 45,1% kế hoạch năm. Tổng công ty có nhiều giải pháp tổ chức sản xuất, đặc biệt đã áp dụng một số công nghệ mới.
Tính từ đầu năm 2016 tới ngày 10/8, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Tổng công ty 57 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 56 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Thủ tướng thông qua tổ công tác yêu cầu TCT làm rõ 6 nội dung đang là vấn đề quan tâm của cả nước, yêu cầu ngành đường sắt thực sự đổi mới, quyết liệt để thay đổi cơ bản, theo báo Vietnamnet.
Cụ thể, Thủ tướng đặt vấn đề về hiệu quả sản xuất kinh doanh, đề nghị ngành đường sắt có suy nghĩ để tăng hiệu quả kinh doanh, tăng thị phần.
“Giá cước vận tải đường sắt ở các nước rẻ nhất, an toàn nhất, ta hãy xem lại. Hiện nay, hành khách có thể lựa chọn đi bằng nhiều phương tiện khác hấp dẫn hơn, trong khi đi bằng đường sắt đang kém hấp dẫn, kém sự cạnh tranh, trong đó có lý do chất lượng dịch vụ, tính an toàn của đường sắt”.
Thủ tướng đề cập đến an toàn đường sắt, chất lượng lao động và trách nhiệm của cán bộ, hiện dư luận đang lo ngại về tình tình tai nạn giao thông đường sắt.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý ngành đường sắt trong việc kêu gọi đầu tư tham gia khai thác, thực hiện chủ trương xã hội hoá nâng cao năng lực cạnh tranh. Thủ tướng yêu cầu ngành quan tâm đến công tác tổ chức quản lý và cải tạo các tuyến đường ngang, đường dân sinh.
“Quan điểm của tôi khi ở địa phương là rất quan tâm đến đường gom. Nếu có mấy nghìn đường ngang thì không thể nào quản nổi. Nếu có sự kết hợp, xã hội hoá và trách nhiệm của địa phương thì sẽ hạn chế được việc mở đường ngang dân sinh, hạn chế được tai nạn. Nhiều vụ lái xe cố tình vượt đường sắt để xảy ra tai nạn đáng tiếc”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng lưu ý.
Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý đến vấn đề cổ phần hoá và thoái vốn vì hiện việc thoái vốn của TCT đến nay chưa đạt yêu cầu. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo TCT rà soát lại toàn bộ chương trình mục tiêu, giải quyết gói 7.000 tỷ đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt, báo cáo tiến độ và rà soát các đường ngang dân sinh, các điểm đen TNGT.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nga sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực điện hạt nhân
Chống lãng phí đất đai - Bài cuối: Gỡ điểm nghẽn
Giá heo hơi ngày 13/1/2025: Miền Bắc và miền Trung tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng ngày 13/1/2025: Ngược chiều thế giới, giá vàng trong nước giảm
Cơ hội hợp tác năng lượng cho doanh nghiệp ASEAN
Bitcoin có thể chạm đỉnh mới đầu năm 2025 nhờ những chính sách thân thiện với tiền số của ông Trump