Ông Vũ Mão: Trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong vụ “nhân bản” xét nghiệm thế nào?
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Vụ việc tiêu cực tại BV Đa khoa Hoài Đức đã làm rúng động ngành y tế Việt Nam. Nhưng điều khiến cho nhiều người khác bàng hoàng là chị Phan Thị Oanh – một trong những người đã dũng cảm tố cáo tiêu cực lại đang đứng trước nguy cơ rơi vào vòng lao lý.
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Mão – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đây là một vụ việc điển hình cả về vấn đề y đức và tham nhũng.
“Tôi chưa được rõ là số tiền bất chính mà ông Giám đốc Bệnh viện Hoài Đức thu được là bao nhiêu, cái đó sẽ có cơ quan điều tra vào cuộc, nhưng ở đây đã có dấu hiệu tham nhũng rất rõ. Bên cạnh đó, tham nhũng thông qua sức khỏe của người bệnh lại càng phải lên án, đó là việc làm vô đạo đức”, ông Vũ Mão nói.
Cũng theo ông Vũ Mão, sự việc này không phải diễn ra trong một ngày, một tuần hay một tháng mà kéo dài cả năm trời, nhưng rất đáng tiếc là các cấp ủy và chính quyền ở địa phương, đặc biệt là Sở Y tế Hà Nội đều không phát hiện ra sai phạm.
Ông Vũ Mão thẳng thắn đặt ra các nghi vấn: “Tôi phải đặt câu hỏi: Trong vụ việc này, trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội thế nào? Hàng năm đều có thanh tra, kiểm tra, vậy tại sao không phát hiện sai phạm? Hay là có biết sai phạm nhưng lờ đi? Lúc này, chúng ta phải đặt câu hỏi thẳng thắn như vậy, và tôi tin là hàng triệu người dân Thủ đô cũng đang mong muốn phải làm rõ. Một giám đốc ở bệnh viện tuyến huyện, vì sao có thể ung dung làm những chuyện sai phạm lộ liễu đến vậy?”.
Bên cạnh đó, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ khi nhắc tới trường hợp của chị Phan Thị Oanh – người đã dũng cảm tố cáo sai phạm, đồng thời đặt camera thu thập chứng cứ, lại bị khởi tố.
Ông Vũ Mão nói: “Trước đây, tôi có may mắn được làm việc cùng với luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Tôi học được ở ông rất nhiều điều, trong đó có một điều mà tôi thấy rất tâm huyết, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội. Trong trường hợp này, có lẽ các cơ quan chức năng cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng giữa sai lầm của chị Oanh và những việc chị đã làm, góp phần đưa vụ tiêu cực ra trước công luận. Nếu vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội thì sẽ nhanh chóng mở được nút thắt đối với chi tiết chị Oanh đã ký vào một số bản xét nghiệm, đó là bị buộc phải làm vậy chứ không tình nguyện, mà vì không tình nguyện nên đã đứng ra tố cáo.
Những khuôn mặt đầy nước mắt và nặng trĩu suy tư trong lễ trao thưởng. Ảnh: Thái Hà
Một vụ việc rất lớn như vậy mà các cấp ủy đảng địa phương, mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, ban dân vận… không mảy may hay biết. Đó có phải chăng là sự quan liêu? Trong khi ấy những người phụ nữ này đã dũng cảm đấu tranh với cái xấu, tấm gương của họ cần phải được nhân rộng ở nhiều địa phương khác nữa. Nếu bây giờ không xử lý một cách công tâm, khách quan thì công cuộc phát động đấu tranh phòng chống tham nhũng vốn đã khó khăn nay sẽ còn khó khăn hơn, liệu còn ai dám đấu tranh khi mà chính họ cũng sẽ bị liên lụy, bị quy trách nhiệm như trường hợp của chị Oanh”.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ, nhiều năm làm việc ở các cương vị lãnh đạo khác nhau, ông đã từng đi thị sát, tham gia nhiều đoàn kiểm tra và nhận thấy, tiêu cực ở các cơ quan hành chính nhà nước không phải gần đây mới có, mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước.
Ông Vũ Mão chia sẻ: “Nhiều năm trước đây, chúng ta trải qua những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Sau đó lại bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc với muôn vàn gian nan, cộng với sự bao vây cấm vận của quốc tế cộng vào đây chúng ta còn rất nhiều hạn chế trong tư duy xây dựng nhà nước pháp quyền. Có rất nhiều những vụ việc oan khuất của người dân mà đến nay mới được giải quyết một phần rất nhỏ. Đến bây giờ mà vẫn còn những vụ việc như ở BV Đa khoa Hoài Đức là không thể chấp nhận được.
Tôi cho rằng, các vụ việc sai phạm ở nhiều cơ quan nhà nước vẫn diễn ra là vì pháp luật của chúng ta chưa thật nghiêm, chưa đủ sức răn đe những kẻ phạm tội. Nhiều vụ án, kẻ phạm tội còn tính toán được cả kết cục, nếu có ngồi tù vài ba năm thì cũng đã vơ vét được một khối tài sản lớn, rồi ung dung hưởng thụ”.
Nhận định về nạn tham nhũng, ông Vũ Mão thẳng thắn cho rằng, tham nhũng đã có ở nước ta từ nhiều năm trước, ban đầu từ một vài cá nhân nhưng ngày càng lan rộng ra khắp xã hội. Ở nhiều địa phương, tham nhũng đã ăn sâu vào từng tế bào của xã hội. Không có bàn tay sắt thì làm sao có thể ngăn chặn được quốc nạn này.
“Căn bệnh này giờ đây đã trở nên trầm trọng, nó giống như bệnh ung thư đến giai đoạn di căn, cho nên xử lý thế nào là rất khó. Tham nhũng bây giờ biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, chứ không đơn thuần là đưa tiền cho nhau. Tôi đã từng nói, nhiều cán bộ nhà nước khai man bằng cấp để mưu cầu chức vụ cũng là một dạng tham nhũng. Gần đây, đã có những ý kiến đề cập tới chuyện tham nhũng chính sách, tức là ra các văn bản có lợi cho một nhóm đối tượng nào đó để trục lợi. Chúng ta cũng đã phát động nhiều cuộc học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tôi thấy cách làm còn nặng tính hình thức, chứ chưa thực chất”, ông Vũ Mão chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo