Ông Vươn được báo chí bênh vực từ năm 2008
Chúng tôi xin tổng hợp loạt bài phóng sự trên mà gần đây VEN đã đăng lại để người đọc tiếp cận những gì đã có từ nhiều năm trước.
Hành trình ông Vươn “vươn” ra biển
Sau khi nhận được rất nhiều đơn thư khiếu nại của những người dân ven biển huyện Tiên Lãng, nhóm phóng viên đã đến huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) để tìm hiểu vụ việc và biết được câu chuyện cảm động của những người “mở đất”.
Ông Phạm Văn Danh – nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Vinh Quang, nguyên Thường vụ huyện uỷ Tiên Lãng – cho biết: “Cống Rộc khi trước kinh hãi lắm, nước biển mênh mông. Không ai dám nghĩ có ngày ở đó được yên ổn chứ nói gì đến việc bỏ công sức ra đầu tư để sản xuất đâu”. Ông Danh còn kể câu chuyện đã diễn ra cách năm 2008 hơn 15 năm: Khi nghe tin anh Vươn tuyên bố nhận làm ở khu cống Rộc, ông Đinh Quang Hiên – người nhiều năm đầu tư khai thác vùng ven biển ở Tiền Hải (Thái Bình) và phía Bắc xã Vinh Quang – thách đố: “Nếu thằng Vươn làm thành công tôi sẽ mất với nó một chiếc xe máy đẹp”.
Những người dân ở Tiên Lãng vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện này mỗi khi nhớ về quá trình lấn biển ở vùng cống Rộc. Còn “người trong cuộc” Đoàn Văn Vươn thì cho biết: “Sau khi nghiên cứu địa hình, tôi cho rằng nếu làm được, thì khu vực ấy không những sẽ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội lớn. Do đó, tôi đã lập luận chứng kinh tế kỹ thuật và huy động mọi nguồn lực để tiến hành cắt dòng chảy, từng bước khoanh vùng đắp đập ngăn nước”.
Hơn nửa năm trời, hơn 750 nhân công cùng 13 tàu, xe cơ giới ngày đêm vật lộn với sóng biển ở cống Rộc. Ước tính đã có trên 23.000m3 đất đá được chuyển từ Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và trong vùng đổ xuống biển. Từ năm 1994-1998, hàng ngàn cây giống đã được ông bỏ công sức chuyển từ đất liền ra trồng, nhưng tất cả đều bị sóng biển cuốn trôi. Không nản chí, ông tiếp tục nghiên cứu và từng bước kiên trì để tạo nên hàng rào chắn sóng bằng hàng chục tấn đất đá, cùng khoảng 140 tấn xi măng để xây kè và hàng nghìn cây bần, vẹt. Để rồi, máu cùng nước mắt có ngày được đền công: dòng chảy phía ngoài cống Rộc chuyển hướng, chân đê được nâng lên và hàng chục ha đất bồi cùng 60ha rừng vẹt ngăn sóng hình thành. Thành công từ việc trồng rừng chắn sóng của ông Vươn còn được các chuyên gia Nhật Bản đến tìm hiểu, nghiên cứu.
Để biến ước mơ thành hiện thực, ông Vươn đã phải chấp nhận chuyển cả gia đình đến sống chung với bão lũ; và để có vốn, ông đã phải bán những tài sản có giá trị của gia đình, vay lãi ngân hàng, huy động người thân vào công việc lấn biển và việc ông mất đi cô con gái đầu lòng cho biển cống Rộc.
Sự nỗ lực góp phần chỉnh trị dòng chảy, giữ an toàn cho tuyến đê biển và tạo nên những đầm nuôi trồng thuỷ sản ổn định là cả một quãng thời gian dài với bao công sức, tiền của mà ông Vươn phải bỏ ra. Những ngày đầu năm 2008, ông vẫn tiếp tục đầu tư hơn 100 triệu đồng để kè đá cho đầm tôm.
“Bão tố” không đến từ biển
Điều muốn nói ở đây là gia đình ông Vươn cũng như nhiều hộ gia đình đang sử dụng đất bồi ven biển để nuôi trồng thuỷ sản phải đối mặt với những thách thức mới, không những từ biển mà còn từ những việc làm không tuân thủ pháp luật, thiếu tình người của một số người có trách nhiệm ở Tiên Lãng, những người muốn biến hàng trăm ha đất cùng hàng chục tỷ đồng của những người dân nơi đây thành việc của… “biển”.
Là người có công trong việc mở mang diện tích đất bồi ven biển nên ngày 4/10/1993, ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng giao 21ha bãi bồi ven biển thuộc xã Vinh Quang sử dụng vào mục đích nuôi trồng và khai thác thuỷ sản.
Ngày 1/12/2007, ông Vươn nhận được thông báo của UBND huyện về việc dừng đầu tư vùng nuôi trồng thuỷ sản với lý do thời hạn giao đất ghi 14 năm đã hết. Tiếp đó, ngày 23/4/2008 UBND huyện lại có quyết định về việc thu hồi và yêu cầu phải bàn giao lại toàn bộ 21ha đất đang sử dụng cùng các công trình có trên đất cho xã Vinh Quang quản lý.
Điều đáng nói là, theo đề án và luận chứng kinh tế kỹ thuật mà ông Vươn cung cấp thì thời gian ông đăng ký nhận đầu tư 21ha đất bồi là 30 năm. Đặc biệt, theo quy định của pháp luật thì, đối với loại đất bãi triều ven biển và đất mặt nước ven biển (ngoài đê) là đối tượng được khuyến khích đầu tư sử dụng và được Nhà nước hỗ trợ. Luật đất đai năm 2003 có ghi trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê trước ngày 15/10/1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày 15/10/1993. Điều đó cho thấy, Quyết định ra ngày 23/4/2008 của UBND huyện Tiên Lãng là trái pháp luật. Cũng theo Luật đất đai, khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng.... Nhưng, kể từ khi được giao đất vào năm 1993, ông Vươn đã có nhiều đơn xin được tiếp tục giao 21ha trên để sản xuất, nhưng không được giải quyết.
Trước quyết định “ngẫu hứng” UBND huyện Tiên Lãng, ông Vươn liên tục đưa đơn khiếu nại, nhưng tất cả vẫn bị rơi vào quên lãng. Không chỉ gia đình ông Vươn mà hơn 20 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản ở huyện Tiên Lãng cũng có đơn thư và phán ánh, nhưng đã hơn 2 năm vẫn không có hồi âm.
Đơn thư, tài liệu do người dân cung cấp. |
Những người có trách nhiệm nói gì?
Ngày 2/6/2008, ông Ngô Văn Khánh – Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng – khẳng định: “Những đầm đến bây giờ hết hạn, chúng tôi sẽ thu hồi để giao cho địa phương, cho xã quản lý, để đỡ gây nên phức tạp...”. Giải thích về việc tại sao huyện lại không giao cho hộ ông Vươn và những hộ khác thời gian 20 năm như quy định của pháp luật mà chỉ là 12 đến 15 năm, ông Khánh trả lời bằng cách… chuyển đề tài, rồi lấy lý do bận việc và giới thiệu chúng tôi đến gặp lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, vì “đó là nơi trực tiếp quản lý tài liệu, giấy tờ”.
Ông Phạm Văn Trống - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng – giải thích cho những thắc mắc trên rằng, trong quyết định có ghi thời hạn giao đất, nên khi hết thời hạn thì Nhà nước thu hồi theo Luật Đất đai. Nhưng khi đối chiếu với Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác, chúng tôi không tìm thấy quy định nào phù hợp hoặc liên quan đối với trường hợp này. Khi được hỏi vì sao các hộ, trong đó có gia đình ông Vươn, đã có đơn xin tiếp tục được giao đất nhiều lần lại không được chấp nhận. Trong khi, tại Báo cáo của Ủy ban nhân ngày 25/12/2006 lại có 18 hộ ở Vinh Quang được huyện giao mới 67,45ha đất với thời hạn… 20 năm?, ông Trống “giải thích”: “Đối với 18 hộ ở Vinh Quang, anh em tôi có ra quyết định giao, cho thuê đất. Đến thời điểm này quyết định vẫn chưa thực hiện và anh em tôi cũng đang báo cáo để xem xét lại việc giao đất năm 2005”.
Về quyết định thu hồi đối với diện tích đất giao cho các hộ (từ 12 đến 15 năm) trước ngày 15/10/1993, trái với quy định trong Luật Đất đai và các văn bản pháp luật, ông Trống cho rằng “tùy từng địa phương, người ta giao cho bao nhiêu, quyết định thời hạn là bao nhiêu, mà không cứ phải 20 năm”.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam