Thị trường

Ôtô nhập khẩu sắp tăng giá mạnh?

(DNVN) - Theo Bộ Tài chính, việc tăng giá thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô là nhằm đảm bảo sự công bằng giữa nhà nhập khẩu và nhà sản xuất ôtô, nếu áp dụng việc đó vào Luật thì giá ô tô nhập khẩu có thể tăng thêm ít nhất 10%.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2015 của Bộ Tài chính chiều nay (30/6), trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề liên quan tới việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2016 và hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo nghị định để hướng dẫn chi tiết các quy định tại Luật này và xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan trước khi trình Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 7 hoặc tháng 8.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, qua nghiên cứu tình hình thực tiễn, thực hiện các cam kết quốc tế, thuế nhập khẩu ô tô tại Việt Nam có thể về 0% vào năm 2018. Rõ ràng, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhà sản xuất trong nước là giá bán ra của nhà sản xuất, trong khi của nhà nhập khẩu lại là giá CIF cộng với thuế nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời thắc mắc của báo chí.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời thắc mắc của báo chí.

“Như vậy là không công bằng giữa nhà sản xuất ô tô trong nước và nhà nhập khẩu. Vì vậy, Bộ đã sửa đổi theo hướng xác định giá tính thuế đối với ô tô nhập khẩu sẽ phải là giá bán ra của nhà nhập khẩu, tương tự như giá ô tô trong nước” – bà Mai nói. Bên cạnh đó, bà Mai cũng thừa nhận: "Đây cũng chính là kiến nghị của VAMA, Hiệp hội Cơ khí (VAMI) và một số doanh nghiệp".

Thứ trưởng Vũ Thị Mai lý giải tiếp, theo Quyết định 1211 phê duyệt quy hoạch chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô tới năm 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó cũng đã giao cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan là xây dựng công thức xác định giá tính thuế TTĐB đảm bảo bình đẳng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu cùng loại. Do vậy, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế.

Theo đó, ở một số nước còn áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô nhập khẩu là giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng, tức là còn qua nhiều khâu thương mại. Cũng có nước áp dụng là giá nhập khẩu là giá ship cộng với giá nhập khẩu như từ trước tới nay chúng ta áp dụng, nhưng số lượng các nước này không nhiều. Trong khu vực hiện nay, Thái Lan cũng đang áp dụng, nhưng đang có hướng chuyển dần và dự kiến áp dụng trên giá bán lẻ.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, căn cứ vào khoản 6, điều 6, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ. Trên cơ sở những lý do đó, Bộ Tài chính đề xuất giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu là giá bán ra của nhà nhập khẩu, có nghĩa là bao gồm cả chi phí bán hàng, cũng như lợi nhuận của nhà nhập khẩu. Điều này đảm bảo sự công bằng của nhà nhập khẩu và nhà sản xuất, lắp ráp trong nước, vì đều áp dụng giá căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán ra.

"Một điểm nữa trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này là Bộ Tài chính cũng đã đề xuất đối với mặt hàng ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì mức tối thiểu của chi phí cũng như lợi nhuận được khống chế theo dự thảo Nghị định hướng dẫn là 10%. "Tuy nhiên, qua ý kiến tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội,... chúng tôi đã cân nhắc xem nên quy định là 5% hay 10%", Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết thêm.

 

“Bộ Tài chính luôn mong muốn các hiệp hội, DN tham gia ý kiến và chúng tôi cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo và mời các nhà nhập khẩu ô tô, VAMA, VAMI, các DN tham gia để có một cuộc thảo luận, đối thoại cởi mở, thẳng thắn về vấn đề này. Qua đó, Bộ Tài chính tiếp thu và cân nhắc, nhằm xây dựng quy định phù hợp và trình Chính phủ để có thể ban hành trong tháng 7 hoặc tháng 8”, người phát ngôn Bộ Tài chính cho hay.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Tài chính đã thông tin về tình hình kinh tế-xã hội và dự toán NSNN tháng 6 và quý II/2015. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, về thu ngân sách nhà nước:Dự toán thu NSNN cả năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 6 tháng ước đạt 446,12 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014. Ước tính có 52/63 địa phương thu đảm bảo tiến độ dự toán (từ 50% dự toán trở lên).

Về chi NSNN: Đã trình Thủ tướng Chính phủ ban Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2015 với những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý chi NSNN, đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả. Trên cơ sở đó,hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xác định số tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Dự toán chi NSNN cả năm 2015 là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 6 tháng đạt 545,18 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2014. Về cân đối NSNN: Bội chi NSNN 6 tháng ước 99 nghìn tỷ đồng bằng 43,8% dự toán. Công tác huy động vốn được thực hiện chủ động, tích cực và linh hoạt. Tính đến ngày 29/6/2015, đã phát hành khoảng 115 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi NSNN và cho ĐTPT, bằng khoảng 46% kế hoạch.

Đối với tăng cường quản lý giá:Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: điện, than, xăng dầu, sữa, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Giám sát kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng BOG, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá. Chỉ số giá tháng 6 tăng 0,55% so với đầu năm, tăng 1% so với cùng kỳ 2014, thấp hơn cùng kỳ của nhiều năm trước.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế tiếp tục được đẩy mạnh. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thuế để cắt giảm TTHC, giảm số giờ tuân thủ về thuế cho người dân và doanh nghiệp. Tính đến 31/5/2015 đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với 98% số DN thuộc diện quản lý thuế; tính đến ngày 22/6/2015 đã có 237.358 DN đăng ký tham gia nộp thuế điện tử, đạt 54% chỉ tiêu giao cho các Cục Thuế.

 

Về công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2015, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 31.465 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực: quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý các nguồn kinh phí tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp; quản lý giá, thuế. Qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính trên 6,43 nghìn tỷ đồng; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo