Ôtô sắp được chạy 120km/h trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Trả lời PV, ông Đỗ Chí Chung – Chánh Văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa cho biết, sau 3 tháng triển khai thi công, ngày 31/12, hạng mục thảm bê tông nhựa tạo nhám – hạng mục cuối cùng của Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã hoàn thành toàn tuyến, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Ông Chung cũng cho biết, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được thiết kế với vận tốc 120km/h, có lớp mặt đường tạo nhám để đảm bảo tốc độ khai thác 120km/h. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu khai thác, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chưa thi công lớp bê tông nhựa tạo nhám do nền đường chưa ổn định. Sau hơn 3 năm đưa vào khai thác toàn tuyến, nền đường đã cơ bản ổn định, và bắt đầu từ 01/10/2015 VEC tổ chức thi công lớp bê tông nhựa tạo nhám nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông và êm thuận cho các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Trong thời gian thi công bù vênh và thảm bê tông nhựa tạo nhám, VEC đã yêu cầu các Nhà thầu xây dựng phải triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại các khu vực thi công. Chính vì vậy, trong 3 tháng qua đã không xảy ra bất kỳ sự cố, tai nạn nào liên quan đến việc thi công công trình.
Để triển khai thi công hạng mục thảm bê tông nhựa tạo nhám Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, các Nhà thầu đã sử dụng 211.074 tấn bê tông nhựa bù vênh và 42.685 tấn bê tông nhựa tạo nhám; nâng bó vỉa 46.157m; sơn kẻ đường 46.000 m2.Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 20/4/2005, được khởi công ngày 07/01/2006 và đưa vào khai thác toàn tuyến ngày 30/6/2012.
Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1), có chiều dài 50km, là dự án đầu tiên do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm Chủ đầu tư và là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, thuộc trục cao tốc Bắc-Nam trong Quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ.
Kể từ khi đưa vào khai thác, Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã phục vụ an toàn khoảng 23 triệu lượt phương tiện; mang lại những tiềm năng, cơ hội phát triển kinh tế-xã hội rất lớn cho những địa phương có tuyến đường đi qua, góp phần hình thành và thúc đẩy các ngành nghề, các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển; tăng cường giao thương hàng hóa, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng chung của các địa phương và xã hội; tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập của một bộ phận người dân trong khu vực; góp phần giảm ách tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1…
Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đưa vào khai thác đã rút ngắn khoảng 1/2 thời gian lưu thông và tiết kiệm 15% chi phí vận tải so với lưu thông theo tuyến quốc lộ cũ.
Ông Chung cũng lưu ý, dù hạng mục thảm bê tông nhựa tạo nhám đã hoàn thành nhưng các phương tiện vẫn chưa được phép lưu thông với tốc độ 120km/h bởi sau khi hoàn thành thi công, VEC sẽ tiếp tục các công trình bổ sung, cắm biển và báo cáo Bộ GTVT trước khi khi cho phép các phương tiện lưu thông với tốc độ cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới