Patê “dỏm”: Quá bẩn!
Cuối tuần rồi, chúng tôi tiếp cận một cơ sở gia đình chuyên sản xuất patê nằm sâu trong hẻm ở quận Bình Thạnh - TP.Hồ Chí Minh. Đầu ra sản phẩm của cơ sở này là các chợ, quán ăn, xe bánh mì lề đường.
Tại đây, các công đoạn chế biến đều bày trên sàn nhà chật chội, ẩm thấp, không bảo đảm vệ sinh. Công đoạn chế biến chính nằm cạnh nhà vệ sinh. Nguyên liệu làm patê như gan, mỡ heo, bánh mì thì chất la liệt trên sàn nhà. Thau chậu, cối xay bám đầy chất bẩn.
Trước khi chế biến, bánh mì được ngâm với nước đục ngầu. Gan, mỡ heo thì được ngâm trong thau, xô. Để patê thơm ngon, sau đó, toàn bộ nguyên liệu được trộn với gia vị, phẩm màu, hương liệu.
Sau khi lân la nhiều nơi, chúng tôi mới biết cơ sở nói trên không phải là cá biệt. Nhiều cơ sở sản xuất patê ở TP.Hồ Chí Minh cũng có quy mô, “công nghệ” sản xuất tương tự.
Ông Lê Văn Toàn, phụ trách sản xuất cho một cơ sở chế biến thực phẩm tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết làm patê dễ như... luộc rau, chỉ cần nghe qua là có thể làm được. Gan trộn với mỡ heo, bánh mì và gia vị cho vào nồi hấp khoảng 2 - 3 giờ là có thành phẩm.
Sử dụng nguyên liệu thải
Theo đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh thực phẩm quận Bình Thạnh, trước đây đoàn đã kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở sản xuất patê sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí, có hộ sử dụng chất cấm.
Ông Trần Minh Thành, chủ một cơ sở chế biến thực phẩm tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết nguyên liệu chính làm patê là gan, mỡ heo và bánh mì. Tuy nhiên, vì muốn có lãi cao nên nhiều cơ sở sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, giá rẻ.
Chẳng hạn, gan heo có 2 loại là gan bột và gan đá. Gan bột là của heo khỏe mạnh nên có giá cao, gan đá là từ heo bệnh, heo chết. Gan đá có màu đen thẫm, không còn mùi thơm đặc trưng và sau khi chế biến, patê sẽ có màu lốm đốm, không đồng đều.
Để khắc phục, người chế biến cho phẩm màu rẻ tiền vào. Mỡ cũng vậy, muốn lãi cao thì chọn loại thải ra từ các chợ, chất lượng không bảo đảm, giá bán rất rẻ, chỉ hơn 10.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều người còn sử dụng cả mỡ thối.
Nhiều cơ sở cũng không ngần ngại tận dụng nguồn bánh mì ế, bị mốc của các tiệm để làm patê. Hương thơm chính của patê là từ đại hồi, đinh hương, thảo quả nhưng nhiều cơ sở lại chọn hương patê (hóa chất) do giá rẻ, chế biến đơn giản.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dịch vụ bảo dưỡng, chăm sóc ô tô đắt khách dịp cận Tết
Mùa Tết của những làng nghề đặc sản trăm tuổi ở miền Tây
Đi chợ Tết ngày cuối năm - Nét văn hoá của người Việt
Cần Thơ bắn hơn 1.000 quả pháo hoa mừng Tết Nguyên đán
'Vương quốc hoa kiểng' nhộn nhịp ngày cận Tết
Ngành đường sắt bán hơn 434.000 vé trong dịp Tết Nguyên đán 2025