PCI 2012: Sụt giảm chất lượng điều hành
(TTXVN) Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, năm 2012 tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong cảm nhận của các doanh nghiệp qua điều tra PCI 2012. So với những năm trước, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều kém lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới.
Theo cảm nhận của DN tham gia điều tra PCI, chất lượng điều hành kinh tế các địa phương năm qua thực sự sụt giảm. Hơn nữa, không một tỉnh nào vượt qua mức 65 điểm dành cho nhóm tỉnh có chất lượng điều hành Xuất sắc, hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra với Chỉ số PCI. Báo cáo PCI năm 2012 cũng cho thấy chính quyền nhiều địa phương đã nỗ lực thực hiện cải cách trong một số lĩnh vực.
Các tỉnh, thành phố đã đạt được những kết quả tích cực trong việc rút ngắn thời gian chờ cấp giấy phép kinh doanh và cấp phép, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm bớt chi phí không chính thức khi giải quyết các thủ tục hành chính. Tuy vậy, cũng còn một số lĩnh vực điều hành mà DN đánh giá cần tiếp tục được cải thiện. Đó là rủi ro bị thu hồi mặt bằng kinh doanh và khả năng giá đền bù đất đai của chính quyền phù hợp với giá thị trường, niềm tin và mức độ sử dụng các thiết chế pháp lý của tỉnh, tính năng động và thái độ của lãnh đạo tỉnh với khối tư nhân và mức độ sử dụng dịch vụ hỗ trợ DN của tỉnh và sự hài lòng với chất lượng dịch vụ.
Ông David B.Shear, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng, thông qua chỉ số PCI, các tỉnh, thành phố sẽ phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Ông David B.Shear cũng gửi lời chúc mừng các vị lãnh đạo đã có những hành động cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh tại tỉnh mình. Theo Bảng xếp hạng PCI năm 2012, vị trí số 1 là Đồng Tháp, tiếp theo là An Giang và Lào Cai (tỉnh đứng đầu năm 2011). Một lần nữa, Long An và Bắc Ninh đều nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất trên cả nước. Bình Định và Vĩnh Long, dù tụt hạng trong năm 2011, nhưng năm nay đã lấy lại được phong độ của những năm trước đó.
Mặt khác, điểm số của các tỉnh luôn dẫn đầu như Bình Dương và Đà Nẵng lại giảm rõ rệt. Nhóm nghiên cứu đánh giá sự sụt giảm niềm tin của DN ở hai địa phương này chắc chắn gắn liền với tình hình suy thoái kinh tế chung của Việt Nam . Năm nay, các tỉnh cuối bảng xếp hạng có thay đổi chút ít, song vẫn là những tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Tuyên Quang và Điện Biên. Ngoài ra, còn có một số điểm đáng lưu ý: Lần đầu tiên trong bảng xếp hạng PCI, không một địa phương nào đạt đến ngưỡng 65 điểm của nhóm Rất tốt trong khi các năm trước, số tỉnh đạt thành tích Rất tốt từng lên tới 8 địa phương. Ngoài ra, năm nay có tới 3 tỉnh ở nhóm Tương đối thấp trong khi năm ngoái chỉ có 1 tỉnh.
Cuối cùng là xu hướng tiếp tục duy trì chất lượng điều hành tốt của các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Không chỉ có Đồng Tháp và An Giang đứng đầu bảng xếp hạng mà các tỉnh khác trong khu vực cũng chiếm tới 9/17 tỉnh ở nhóm “Tốt”. Hơn nữa, không một tỉnh ĐBSCL nào có điểm số dưới mức “Khá”. Rõ ràng, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong khu vực này về việc giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp trên địa bàn có khác biệt đáng kể so với các tỉnh thuộc khu vực khác ở Việt Nam .
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trong việc tạo lập môi trường chính sách thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. /.
Quang Toàn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản