Tin tức - Sự kiện

PGS.Văn Như Cương: Cần thận trọng khi đưa vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào đề văn tốt nghiệp và ĐH-CĐ

Trước sự việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, cô giáo Trịnh Thu Tuyết đã đưa vấn đề thời sự nóng hổi này vào đề thi văn của lớp 12D1, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Theo PGS.Văn Như Cương, đây là một đề thi hay xét cả ở góc độ văn chương và thời sự nhưng cần thận trọng khi áp dụng trong các cuộc thi quan trọng, mang tính quốc gia như kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ.

PGS.Văn Như Cương

Gần đây, đề luyện thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ môn Ngữ văn do Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội ra ngày 12.5 cho lớp 12D1 thu hút nhiều sự chú ý.

Phần viết luận của đề cô Tuyết đưa sự kiện hôm 1.5 Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương -981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để học sinh trình bày suy nghĩ về chủ quyền dân tộc.
 
Theo PGS.Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, đây là một đề thi bình luận hay, vừa có tính chất thời sự, vừa có tính văn học, đặc biệt là trong việc giáo dục học sinh cần quan tâm đến tình hình thời sự đất nước, biết được điều gì đang xảy ra với đất nước mình và bản thân có quan điểm, thái độ như thế nào trước vấn đề đó.
 
Tuy nhiên, PGS.Văn Như Cương cho rằng, đề thi văn đề cập đến vấn đề thời sự như trên nếu ra ở phạm vi một lớp học, cụ thể như lớp 12D1 của trường Chu Văn An là một ý tưởng hay và có những tác dụng nhất định với học sinh, nhưng nếu là đề thi chính thức ở các cuộc thi mang tầm quốc gia như kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ thì là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng.
 
PGS chia sẻ: “Ở góc độ chính trị nhạy cảm, một đề thi như vậy dễ gặp phải tình huống bị vu cáo nhằm kích động thanh niên vì ngoài tính văn chương thì đề thi này còn có tính thời sự, chính trị”.
 
Thầy Văn Như Cương khẳng định, nếu đề thi đề cập đến vấn đề thời sự nóng hổi hiện tại được đưa vào đề thi thử cho một lớp học thì có tác dụng nhất định về mặt văn chương và giáo dục thời sự, đánh giá sự quan tâm của học sinh với các vấn đề thời sự như thế nào. Nhưng nếu đưa ra rộng rãi trong các kỳ thi mang tầm quốc gia thì cần thận trọng để tránh gây ra những sự phản ứng một cách mù quáng.
 
Thầy Cương cũng đề cập đến vấn đề từ trước đến nay, giáo dục trong nhà trường chưa chú trọng giáo dục học sinh về vấn đề chủ quyền, sách giáo khoa, đặc biệt là sách Lịch sử chưa nêu được bản chất vấn đề hoặc đề cập hời hợt. Thầy lấy ví dụ như cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi chúng ta đề cập rất sâu và kỷ niệm rầm rộ nhưng với sự kiện chiến thắng biên giới năm 1979 thì lại không đề cập nhiều.
 
Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, nên khuyến khích giáo viên định hướng cho học sinh quan tâm đến những vấn đề của đất nước hiện nay nhưng phải làm sao giúp các em có nhận thức đúng để có phản ứng đúng, không vi phạm pháp luật. Muốn làm được điều đó thì trước tiên sách giáo khoa phải đảm bảo gắn liền với thực tiễn và bản thân các thầy cô giáo cũng phải được định hướng để truyền đạt những vấn đề mang tính thời sự, chính trị, đặc biệt là vấn đề chủ quyền dân tộc đến học sinh một cách đúng đắn.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo