Phá rừng làm thủy điện không trồng lại, dời dân đi nhưng không cấp đủ đất để tái định cư, vỡ đập vì xây chất lượng kém, xả lũ bất ngờ gây hại cho dân, không bù đủ nước cho hạ lưu… Rõ ràng, quản lý phát triển thủy điện đang có nhiều vấn đề. Dự án thủy điện bị phản đối ai cũng có lý để được ký thông qua nhưng khi có sự cố, gây ra hậu họa thì ai cũng có lý để từ chối trách nhiệm.
Cuộc tranh cãi về có hay không việc thủy điện khiến cho lũ lụt miền Trung thêm trầm trọng đang tiếp diễn. Công – tội của thủy điện mỗi bên có một ý kiến khác nhau nhưng từ thực tế có thể thấy thủy điện xây nhiều nhưng quản lý còn nhiều vấn đề bất cập. Điều đó đã và sẽ còn gây ra nhiều hậu quả.
Từ phía cơ quan quản lý, Bộ Công thương mới đây đã phủ nhận lũ lụt miền Trung là do thủy điện gây ra. Sau khi rà soát việc vận hành 16 hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn ở miền Trung trong đợt lũ mới đây, Tổng Cục năng lượng, Bộ Công thương khẳng định, thủy điện không có “tội” trong các trận ngập lụt vùng hạ du vừa qua. Không những vậy, các hồ này đã tích cực giúp cắt giảm đỉnh lũ. Nguyên nhân gây ra lũ lụt chính là ‘tại trời’ mưa lớn trong thời gian ngắn nên không thể tránh khỏi.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác đã nhanh chóng quy trách nhiệm lũ chồng lũ là do 15 nhà máy thủy điện miền Trung thấy mưa lớn, đồng loạt xả tràn khiến cho nước ngập cao khắp nơi, gây nên thiệt hại lớn cho người dân. Thủy điện phải chịu trách nhiệm về hiện tượng cứ mưa to là ngập lụt tại miền Trung.
Thủy điện vốn được cho là năng lượng sạch, giá rẻ phù hợp với các quốc gia nghèo như Việt Nam. Đầu tư thủy điện là một lĩnh vực hấp dẫn và phát triển rầm rộ trong thời gia qua nhưng cũng đã để lại không ít tai tiếng.
Tiêu cực lớn nhất do thủy điện gây ra là tàn phá tài nguyên, môi trường. Làm thủy điện cũng đồng nghĩa với phá rừng. Các thống kê cho thấy, để sản xuất ra 1 MW điện phải đánh đổi từ 6 - 10 ha rừng.
Theo quy định các chủ dự án thủy điện phải trồng rừng bồi hoàn, thì nhiều dự án tại miền Trung đến nay chỉ mới trồng rừng bồi hoàn kiểu qua loa chiếu lệ, đạt 5%-10%. Tất yếu mất rừng sẽ kéo theo lũ lụt trầm trọng. Vậy lũ tại mất rừng cũng chính là lũ từ xây thủy điện mà ra. Chỉ riêng việc này có thể thấy, thủy điện xây nhiều mà quản lý không tốt nên mới để lại hậu họa không lường.
Bên cạnh chuyện phá rừng còn hàng loạt vấn đề khác như: vỡ nhiều đập thủy điện, xả xử bất thường hại dân, không bù đủ nước gây hại cho hạ lưu… đã cho thấy phát triển thủy điện tràn lan nhưng quản lý còn nhiều hạn chế.
Cùng với mất rừng, vỡ đập, lũ lụt… người dân vùng thủy điện đối diện với tình trạng mất đất sản xuất, thiếu đất sản xuất ở hầu hết các khu tái định cư. Diện tích đất sản xuất mà các chủ đầu tư thủy điện cấp cho dân chủ yếu là đất nương rẫy, số lượng chỉ bằng 1/3-1/4 diện tích nơi cũ. Nay gặp phải lũ lụt lớn nhiều gia đình mất người, mất tài sản, trắng tay thì sự tức giận lại càng gia tăng và thủy điện phải gánh chịu thêm nhiều tiếng xấu.
Vì thế, khi nhìn lại cả quá trình phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, lũ lụt gây hậu họa lớn là do tầm nhìn yếu kém trong cả quản lý lẫn hoạch định sự phát triển bền vững của khu vực mà thủy điện là một vấn đề bức xúc nhất.
Rừng bị lấy đi quá nhiều là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng sức mạnh, mà nguyên nhân rừng ở miền Trung, Tây nguyên bị lấy lại để làm thủy điện và trồng cây công nghiệp. Thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện khiến rừng bị mất đi, khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn.
Trong khi phát triển mạnh thủy điện thì mạng lưới quan trắc đo mưa ở miền Trung rất thưa, rất ít trạm, chỉ đo mưa 12 giờ và mưa 24 giờ, không có 6 hay 3 giờ. Ví dụ lưu vực sông Ba có khu vực gần 5.000 km2 mới có một trạm. Thiếu các trạm quan trắc, đo mưa thì công tác dự báo sẽ yếu kém và độ chính xác không cao, khiến cho các nhà máy thủy điện cũng khó đưa ra những quyết định chính xác và sớm.
Hiện các công trình thủy điện tại miền Trung chỉ có thể thông báo xả lũ trước 2 - 3 giờ, trong khi người dân cần ít nhất 6 - 8 giờ để chuẩn bị đối phó.
Các nhà khoa học cho biết, chúng ta hoàn toàn có thể tăng thời gian thông báo trước khi xả lũ, nếu nâng cao năng lực dự báo mưa lũ, bổ sung các trạm đo mưa... nhưng điều đó đã không được quan tâm đầu tư đúng mức.
Không những thế, nhiều chủ đầu tư thủy điện thiếu am hiểu về vận hành hồ chứa. Trong khi đó, chính những con người này trực tiếp quyết định phương án giữ hay xả nước.
Đấy là chưa kể, qui trình vận hành liên hồ tại miền Trung thời gian qua không có mấy tác dụng bởi khả năng dự báo không tốt. Điểm quan trọng nhất trong vận hành liên hồ phải có một chỉ huy trưởng điều hành các hồ xả nước trước sau thế nào, đến nay ở miền Trung chưa có đầu mối tổng thể.
Vì vậy, mặc cho cơ quan chức năng khẳng định các hồ chứa đã vận hành đúng quy trình trong xả lũ thì nhiều ý kiến vẫn nghi ngờ các nhà máy thủy điện không bao giờ muốn xả lũ trước khi bão về dù được khuyến cáo. Họ không chịu xả lũ sớm vì sợ không đủ nước trong hồ chứa, nhất là dự báo khí tượng không bảo đảm chính xác. Khi mưa lũ lớn hơn năng lực tràn của đập thì họ buộc xả bớt lượng nước trong hồ vâ gây ra hậu quả nặng nề cho hạ lưu.
Để miền Trung không còn cảnh mỗi năm một lần chạy lũ và lũ năm sau lại cao hơn năm trước và không lặp lãi mỗi lần dân chết vì lũ lại một lần cãi nhau thì câu chuyện quản lý thủy điện mà lâu dài hơn và rộng lớn hơn là chống lũ cho miền Trung cần được đánh giá và thực thi một cách tổng thể.
VietnamNet