Phải buộc doanh nghiệp FDI đặt cọc
Xung quanh câu chuyện chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn, GS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho rằng nên lập lại quy định yêu cầu một số loại doanh nghiệp phải đặt cọc khi có dự án đầu tư ở VN.
(TT) Ông Nguyễn Mại phân tích : Đó không phải là đặt cọc bình thường, mà có thể yêu cầu chủ đầu tư mở một tài khoản, đưa vào đó một số tiền trên tỉ lệ vốn đăng ký nhất định theo yêu cầu của VN. Sau đó, nếu dự án giải ngân đến mức độ nhất định thì chủ đầu tư được bàn giao lại tài khoản. Tôi cho rằng có thể tính toán áp dụng biện pháp này. Đây là biện pháp quốc tế vẫn làm khi chưa tín nhiệm một doanh nghiệp nào đó.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc đưa ra quy định phải đặt cọc, ký quỹ đối với doanh nghiệp FDI có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, thưa ông?
Dự án của các tập đoàn lớn, có uy tín thì không ai làm bậy. Nhưng những dự án đăng ký làm ở VN mà phía VN cảm thấy chưa có đủ tin tưởng thì biện pháp rất bình thường là yêu cầu ký quỹ, đặt cọc. Tôi khẳng định đây là biện pháp rất bình thường, nhiều nước đã làm rồi chứ không phải chưa có tiền lệ. Ngay VN thời mới mở cửa, Ủy ban hợp tác đầu tư đã có cơ chế về ký quỹ, đặt cọc.
Theo tôi, việc xử lý đơn giản, yêu cầu mở tài khoản, đưa tiền vào, Nhà nước VN giữ hộ, không thực hiện đúng doanh nghiệp sẽ mất một số tiền. Doanh nghiệp chân chính sẽ sẵn sàng đóng ký quỹ. Còn doanh nghiệp không có ý định đàng hoàng sẽ phải cân nhắc, rút lui. Doanh nghiệp nào năng lực không đủ, không có tiền đặt cọc thì phải trả lại dự án.
Tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn có đặt vấn đề về trách nhiệm thẩm định dự án, năng lực chủ đầu tư không, thưa ông?
Trước đây, công tác thẩm định các dự án do cơ quan trung ương thực hiện, việc đánh giá năng lực các chủ đầu tư được làm kỹ, cẩn thận. Tuy nhiên, sau này phân cấp cho các địa phương đã dẫn đến tình trạng chạy đua thu hút vốn FDI. Một số địa phương chỉ quan tâm thu hút được nhiều dự án, nhiều nhà đầu tư chứ không quan tâm nhiều đến năng lực, miễn anh công bố dự án đầu tư 2-3 tỉ USD chẳng hạn... Chính hiện tượng này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không đủ năng lực cũng được cấp phép, sau đó nếu thấy khó khăn thì họ bỏ trốn. Điều đáng nói là lẽ ra cơ quan chức năng phải phát hiện và xử lý sớm các trường hợp chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn, thay vì để đến khi con số lên tới hơn 500 doanh nghiệp vắng chủ rồi mới ngồi bàn cách xử lý.
Với các trường hợp chủ đầu tư ôm tiền của khách hàng rồi bỏ trốn, liệu có biện pháp nào giải quyết để đảm bảo quyền lợi người dân?
Thị trường bất động sản bắt đầu bị khủng hoảng từ năm 2008, đến nay đã năm năm mới bàn chuyện giải quyết hậu quả các vụ việc như vậy là quá chậm. Bởi thực tế thời gian qua không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà cả những nhà đầu tư trong nước cũng ôm tiền của dân rồi bỏ trốn. Tuy nhiên trong khó khăn đã lộ ra nhiều sáng kiến, như người dân đóng tiền cho chủ đầu tư qua tài khoản. Tài khoản đó hai bên phải cùng ký để giải ngân theo tiến độ của chủ đầu tư, tránh tiền đó đem đi làm việc khác. Tôi cho rằng Bộ Xây dựng cần nghiên cứu thể chế hóa những sáng kiến đó.
Những vấn đề chủ đầu tư bỏ trốn, theo tôi, nhiều trường hợp có thể xử lý được. Trước hết có thể thông báo cho chủ đầu tư, như sau sáu tháng không có mặt thì sẽ xử lý tài sản. Sau đó có thể thành lập hội đồng xử lý, gồm đại diện của cả cơ quan chức năng, người lao động, tiến hành kiểm kê tài sản còn lại, phát mại. Sau đó sẽ lên danh sách trả những khoản nợ...
Văn Kình
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo