Tin tức - Sự kiện

Phải cẩn trọng khi sống gần với một người láng giềng “rộng vai nhưng hẹp bụng”

Khi sống gần với một người láng giềng “rộng vai nhưng hẹp bụng” thì cần phải có những bước chuẩn bị thật chu đáo và thận trọng theo nguyên tắc phát huy cơ hội và phòng ngừa rủi ro giống như chúng ta đã từng sống chung với lũ. - ĐBQH Trần Quốc Tuấn cũng nhìn nhận

Hàng đoàn xe hàng hóa Trung Quốc vẫn thông quan vào Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: Q.T

Lo ngại trước nguy cơ trả đũa ngược từ phía Trung Quốc (TQ) như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động thương mại, các đại biểu Quốc hội đòi hỏi Chính phủ cần có một kịch bản để đối phó, cho dù, việc trả đũa ngược được cho là không dễ.

“Láng giềng rộng vai nhưng hẹp bụng”
 
Hầu hết các ý kiến phát biểu trước Quốc hội phiên thảo luận ngày 2.6 đều nhắc tới 2 từ “Biển Đông”, với chủ đề làm sao giảm bớt sự lệ thuộc về kinh tế từ TQ. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhắc lại rằng: Kinh tế cần xem xét trên cả 3 lĩnh vực: Kinh tế, thương mại đầu tư và tín dụng. Và “Thương mại với các nước phải cân bằng và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”.
 
Nhắc lại con số nhập siêu từ TQ năm 2013 lên đến hơn 23 tỉ USD, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng đề nghị: “Đây là vấn đề trong điều hành kinh tế, Chính phủ cần nghiên cứu để giảm nhập siêu. Về đầu tư, theo ông Tùng, chúng ta còn nhiều hạn chế cả về vốn, quản trị, công nghệ, thị trường và cạnh tranh. “Tôi không hiểu sao 90% số dự án nguồn điện, 80% số dự án giao thông các nhà thầu TQ đều trúng thầu. Trúng thầu, sau đó để xảy ra tình trạng tiến độ chậm, chất lượng không đảm bảo, làm tăng giá thành, và đặc biệt là không sử dụng nhân công VN” - ông Tùng nói.
 
Nhìn nhận việc dự báo nắm tình hình, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cũng cho là “chưa tốt, nếu như không nói là yếu kém”. Nêu ví dụ việc TQ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa là “hoàn toàn bất ngờ, không có trong dự báo, trong khi phản ứng, đối phó của chúng ta là không linh hoạt và chậm” hay như sự kiện ngày 12.5 khi công nhân phản đối các hành động của TQ rất đáng hoan nghênh, nhưng “có những thế lực âm mưu, tổ chức kích động, lôi kéo, lợi dụng lòng yêu nước xúi giục đập phá nhà máy”. Những phản ứng của cơ quan chức năng sau đó, theo ông Tùng, là chưa kịp thời, hậu quả gây ra rất lớn về kinh tế, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư, cũng như dư luận thế giới. Đây là bài học lớn”.
 
ĐBQH Trần Quốc Tuấn cũng nhìn nhận đây là “một bài học đáng cho chúng ta suy ngẫm”, một khi sống gần với một người láng giềng “rộng vai nhưng hẹp bụng” thì cần phải có những bước chuẩn bị thật chu đáo và thận trọng theo nguyên tắc phát huy cơ hội và phòng ngừa rủi ro giống như chúng ta đã từng sống chung với lũ.
 
Nhìn nhận “nguồn cung ứng đầu vào cho ngành dệt may phải nhập 50-60% từ thị trường TQ hay 90% số hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điệt rơi vào tay nhà thầu TQ thi công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung ứng tín dụng, vật tư nguyên liệu hàng hóa từ TQ rất dồi dào và tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh. 
 
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hoàng Phong
 
Trong khi đó, tuy không phải là thị trường lớn nhất nhưng TQ lại là thị trường có ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân ở những giác độ: Là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của VN cũng như đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ và nhiều nông sản khác. Cho dù “giá xuất khẩu sang TQ là rẻ mạt, có mặt hàng chỉ bằng 1/10 giá bán ở thị trường khác”.
 
TQ còn rất nhiều lợi ích ở Việt Nam
 
Đối với những lo ngại trước khả năng “hành động trả đũa ngược của TQ như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất nhập khẩu với VN”, ông Lộc cho rằng TQ “không dễ gì làm được điều đó ít nhất là từ góc độ chính thức và ở quy mô lớn”. Bởi các hoạt động giao thương với VN đang là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo bậc nhất của TQ. VN cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu TQ. Nhà đầu tư TQ đang có những lợi ích lớn nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tại VN. Tất cả điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi quyết định bất kỳ biện pháp nào.
 
Còn phía VN, dù có muốn mở rộng nguồn cung tới đâu, dù có đa dạng hóa thị trường đầu ra tới mức nào, VN cũng không thể bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú bậc nhất của TQ, không thể không mua các sản phẩm hợp lý từ công xưởng lớn nhất thế giới và không bán hàng sang một thị trường đông dân nhất thế giới lại cận kề với nền kinh tế VN.
 
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết năm 2013 lượng hàng hóa xuất khẩu sang TQ chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tức là hơn 10 tỉ đô la trên 133 tỉ đô la xuất khẩu. Nhập khẩu từ TQ chiếm vào khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu, tương đương hơn 30 tỉ USD. Bộ trưởng nói: “Không phải đến bây giờ tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc- bộ trưởng nói- đương nhiên do quy mô tương đối lớn cần có thời gian để tiếp tục triển khai tích cực hơn”.
 
Một trong những giải pháp ở tầm vĩ mô để thoát khỏi sự lệ thuộc chính là cơ hội từ các hiệp định thương mại. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán để ký kết tiếp 6 hiệp định khác nhằm mang lại lợi ích và đồng thời giữ cho chúng ta có được vị thế độc lập tương đối trong quá trình quan hệ kinh tế với bên ngoài. 
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo