Phải hết sức nỗ lực mới đạt mục tiêu tăng trưởng
Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội giải pháp tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đánh giá cẩn trọng những chỉ tiêu chưa đạt
Những điểm sáng trong Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội năm 2012 được các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao. Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), trong khó khăn chúng ta vẫn kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là một thành công trong điều hành của Chính phủ năm 2012.
Đại biểu cho rằng, chúng ta đã thực hiện đúng định hướng, chúng ta đi vào chiều sâu, hiệu quả, chất lượng, kiến tạo nền kinh tế. Tất cả các chỉ tiêu: Tăng trưởng, lãi suất, tỷ giá, điều chỉnh thuế và các thị trường (ngoại hối, vốn, chứng khoán, bất động sản) đã khai thông tính sáng tạo, tự chủ và theo quy luật kinh tế.
Đặc biệt, trong khó khăn, vẫn điều chỉnh giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện cho DN phát triển, là yếu tố tạo sự phát triển bền vững, lâu dài cho nền kinh tế. Đây chính là biểu hiện chúng ta đã đi đúng hướng, hướng tới hội nhập bền vững.
Nhận xét về những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2102, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đã thực hiện khá tốt những chỉ tiêu như: Lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô. Một số vấn đề dư luận quan tâm như thủy điện Sông Tranh đã được các cơ quan hành pháp và Chính phủ vào cuộc nhanh.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về xã hội vẫn còn những tồn tại. Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết, lĩnh vực an sinh xã hội nổi lên nhiều vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến lĩnh vực giáo dục phổ thông và mầm non, chương trình giảng dạy tại sách giáo khoa, vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục....
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) cũng thẳng thắn cho rằng, 3 mục tiêu không đạt và chỉ tiêu về tỷ lệ giảm nghèo cần phải được phân tích, đánh giá cẩn trọng chứ không nên chỉ nhìn vào những chỉ tiêu đã đạt được rồi. Điều này sẽ giúp giải quyết những nút thắt của nền kinh tế như: nợ xấu, lãi suất, đầu tư công.
Chính sách phải đúng, trúng và nhanh
Tuy nhiên, nhìn về kinh tế 2013, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo lắng đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo một số đại biểu, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,5% trong năm nay là hết sức khó khăn. Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 5,5% cần phải thực hiện đồng bộ các chính sách và từ điều hành của Chính phủ đến các bộ, ngành và địa phương phải hết sức nỗ lực mới có thể đạt được. Ông Kiêm cũng cho rằng, chính sách phải đi đúng, trúng và nhanh thì mới đạt hiệu quả.
Đại biểu Thuận Hữu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, chúng ta có mâu thuẫn giữa tăng trưởng và lạm phát. Chúng ta đã phải hy sinh tăng trưởng để giữ lạm phát. Nhưng giảm được lạm phát mà đình đốn sản xuất thì phải suy nghĩ. Các chỉ tiêu chính: Tăng trưởng công nghiệp thấp, tăng trưởng sản xuất nông lâm thủy sản thấp; xuất khẩu cũng thấp so mấy năm gần đây; vốn đầu tư toàn xã hội cũng thấp hơn cùng kỳ… Thực tế là DN khó khăn, đình đốn, tác động đến đời sống người lao động. Phải tìm cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đây chính là ưu tiên hàng đầu”.
Đại biểu Trương Thị Ánh (TP. Hồ Chí Minh) lo lắng với nhận định của Chính phủ về nguồn thu ngân sách. Theo đại biểu, dự báo thu ngân sách khó khăn, ngay cả cơ chế chuẩn bị nguồn để nâng lương cũng khó khăn. Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ đề ra, nhưng đại biểu đề nghị phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, có giải pháp đột phá hơn mới đạt được những chỉ tiêu đề ra.
Quyết Thắng
Theo Tài chính
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo