Tin tức - Sự kiện

Phải khen thưởng phù hợp người tố cáo “nhân bản xét nghiệm”

Bằng hành động dũng cảm tố cáo những hành vi phi đạo đức của một số lãnh đạo và KTV xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, 3 nhân viên của BV cần phải nhận được phần thưởng xứng đáng hơn của cơ quan chức năng.

Xung quanh nội dung này, chúng tôi đã trao đổi với bà Trần Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương.

Bà Hà nói: Nhằm khuyến khích, động viên và nhân rộng những điển hình tiên tiến trên mặt trận chống tham nhũng, việc khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có những hành động dũng cảm tố cáo tham nhũng được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Đặc biệt, từ khi có Luật Thi đua-khen thưởng (2003 và sửa đổi năm 2005), Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2007), Luật Khiếu nại, tố cáo (1998 và sửa đổi bổ sung năm 2005) thì vấn đề này càng được quan tâm nhiều hơn.

Cụ thể, tháng 5.2011, Bộ Nội vụ cùng Thanh tra Chính phủ đã ra thông tư liên tịch số 03, quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng.

Thông tư liên ngành này quy định rõ về đối tượng, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục, quỹ khen thưởng và mức thưởng.

Theo đó, hình thức khen thưởng áp dụng theo thông tư này gồm: Huân chương Dũng cảm; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...; các loại giấy khen của các cấp khác nhau từ xã, huyện đến TGĐ, GĐ các doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc bộ...

Theo các tiêu chuẩn, hình thức khen thưởng thì việc tặng giấy khen của Sở Y tế Hà Nội cho 3 chị là kỹ thuật viên, điều dưỡng ở Bệnh viện Hoài Đức là đúng thẩm quyền và kịp thời.

Bà Trần Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương. Ảnh: Hải Nguyễn

Hành động tố cáo của các nhân viên không chỉ làm rõ được hành vi tham nhũng mà, quan trọng nhất là lật tẩy được hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng của một số lãnh đạo, KTV ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Trong lúc rất nhiều người “mũ ni che tai”, thì những hành động dũng cảm của các nhân viên này, theo bà, liệu có thể xem xét những hình thức khen thưởng tương xứng hơn?

- Thông tư liên tịch số 03 đã nêu rõ các tiêu chí để khen thưởng. Một trong các tiêu chuẩn được tặng bằng khen của các bộ, tỉnh, thành phố có quy định là các cá nhân đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng.

Với vụ việc ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, theo báo chí phản ánh thì ảnh hưởng xấu của vụ việc này không dừng lại với Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức và huyện Hoài Đức, mà gây bức xúc trong dư luận cả nước.

Chiếu theo tiêu chí khen thưởng, chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan liên quan có thẩm quyền của TP.Hà Nội và Bộ Y tế xem xét kỹ các trường hợp này để có hình thức khen thưởng phù hợp, để động viên kịp thời với những người dũng cảm đứng ra tố cáo, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Thưa bà, qua các đợt khen thưởng những năm qua, có nhiều không những điển hình chống tham nhũng, đặc biệt là những trường hợp giống như 3 chị ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức?

-Vì chưa tổng hợp nên tôi chưa có số liệu chính xác, nhưng có thể nói là không nhiều.

Qua vụ việc này, bà có thấy thông tư liên tịch số 03 của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ còn có bất cập gì?

- Hiện chúng tôi cũng đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá sơ kết việc thực hiện 2 năm thông tư liên tịch này; để từ đó phối hợp sửa đổi, bổ sung thông tư cho phù hợp với thực tế hơn.

Xin cảm ơn bà!

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo