Phải xử lý dứt điểm nợ xấu
Cục nợ lớn của doanh nghiệp Nhà nước
Mới đây, website của Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015” với đầu mối đảm đương nhiệm vụ này là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (DATC).
Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về số nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước, nhưng chiếm một con số không nhỏ trong khoản nợ xấu của các ngân hàng. Ở năm 2010, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, Tổng Công ty là 1.088.290 tỉ đồng, bình quân bằng 1,67 lần vốn chủ sở hữu (chiếm khoảng 55,7% GDP năm 2010).
Tuy nhiên, nếu xét theo từng đơn vị thì có 30 tập đoàn, Tổng Công ty có tỉ lệ nợ phải trả lớn hơn 3 lần so với vốn chủ sở hữu. Trong đó, 7 Tổng Công ty có tỉ lệ này trên 10 lần, 9 Tổng Công ty trên 5-10 lần, 14 Tổng Công ty từ 3-5 lần.
Đặc biệt, có 7 tập đoàn, Tổng Công ty có tỉ lệ này trên 10 lần (gồm Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp (thuộc Tập đoàn Sông Đà), Tổng Công ty Xây dựng CTGT 1, Tổng Công ty Xây dựng CTGT 5, Tổng Công ty Xây dựng CTGT 8, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng Công ty Thành An và Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc).
Theo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương mới đây, những con số lỗ lớn tính từ đầu năm của các tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đang ở mức giật mình: gần 8.000 tỉ đồng nợ ở tập đoàn Điện lực; hay hơn 600 tỉ đồng với Tổng Công ty Hàng hải... Kéo theo đó là tình trạng nợ xấu, nợ lẫn nhau giữa các tập đoàn, Tổng Công ty như Tập đoàn Điện lực nợ tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than và Khoáng sản và các doanh nghiệp khác...
Từ thực tiễn hoạt động xử lý nợ gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp của DATC cho thấy, số Tổng Công ty, doanh nghiệp Nhà nước có nợ xấu chiếm số lượng không nhỏ như: Các Tổng Công ty xây dựng giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải, các Tổng Công ty Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, một số Tổng Công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị thành viên thuộc Vinashin...
“Chấm dứt các ưu đãi về tài chính, tín dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước”
Đây là đề xuất được chính Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến nêu ra tại hội thảo “Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và xử lý nợ xấu” sáng 17.9 tại Hà Nội.
Theo số liệu của Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, tính đến 12.2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp Nhà nước, với tổng tài sản gần 1.800.000 tỉ đồng, vốn CSH là 700.000 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 162.000 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước là 231.000 tỉ đồng, hằng năm đóng góp khoảng 27-30% GDP.
Ông Tiến cũng thẳng thắn nhìn nhận: Hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước còn thấp mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực. Một số tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp Nhà nước tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài.
Từ đó, ông Tiến cho rằng cần chấm dứt các ưu đãi về tài chính, tín dụng đối với các doanh nghiệp Nhà nước. Theo số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp, hiện đã có 23 đơn vị được phê duyệt chương trình tái cơ cấu (22 đơn vị do bộ chủ quản phê duyệt, 1 đơn vị do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Cục này cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt 9 đơn vị (7 tập đoàn, 2 Tổng Công ty đặc biệt); Bộ Tài chính đã có ý kiến đối với 15 đề án (6 Tập đoàn kinh tế, 7 Tổng Công ty, đặc biệt, 2 Tổng Công ty Nhà nước khác).
Nợ xấu trong bất động sản chiếm 13% tổng nợ xấu ngân hàng
Theo số liệu tại hội nghị ngành ngân hàng hồi đầu tháng 7, đến cuối tháng 5.2012, tổng nợ xấu của hệ thống chiếm 4,47% tổng dư nợ (cuối năm 2011 con số này là 3,07%). Theo ngân hàng Nhà nước, 84% nợ xấu của hệ thống ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp này bằng 135% nợ xấu. Đến cuối tháng 5.2012, các tổ chức tín dụng đã trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.000 tỉ đồng. Xét trong từng lĩnh vực, nợ xấu hiện tồn đọng chủ yếu trong các lĩnh vực như sản xuất, công nghiệp, giao thông và xây dựng. Trong khi đó, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán đều không cao. Tính đến cuối tháng 5.2012, dư nợ cho vay đầu tư bất động sản là 197.000 tỉ đồng (chiếm 6,5% dư nợ cho vay) trong khi cho vay đầu tư chứng khoán chỉ còn 12.000 tỉ đồng. Con số nợ xấu do đầu tư bất động sản cũng chỉ 12.000 tỉ đồng (chiếm 13% tổng nợ xấu ngân hàng). |
End of content
Không có tin nào tiếp theo