Phản biện giúp học sinh không thụ động
Cái khó ở đây đã được nhiều chuyên gia giáo dục chỉ ra, âu cũng bởi việc dạy và học ở bậc phổ thông lâu nay máy móc, thậm chí giáo điều. Có thể nhìn thấy điều này rõ nhất trong chương trình học tiếng Việt ở bậc tiểu học.
Chẳng hạn ở lớp 2, lớp 3 các em đang tập quan sát để làm văn tả người, bài văn ấy có chừng từ 5- 7 câu, tả hình dáng bên ngoài và khái quát tính cách của người thân.
Những học sinh sáng tạo có thể tả hình dáng bố, mẹ theo quan sát thực tế, nhưng đa phần những bài văn ấy bị cô phê là “chưa đúng”.
Đơn cử như trong bài văn của học sinh lớp 2 trường Hoàng Liệt (Hà Nội) thay vì tả “mẹ em có nước da trắng” như văn mẫu của cô giáo, có em tả là “mẹ em rất hiền, hay cười”, liền sau đó cô đã gạch bút đỏ, yêu cầu phải chữa lại cho đúng câu văn cô đã dạy.
Đa phần các em trong lớp đã phải chữa lại theo chỉ dẫn của cô, hầu như học sinh ít dám đưa ra chính kiến để bảo vệ những quan sát, hoặc cảm nhận của riêng mình.
Mới đây, trong tọa đàm Góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục- IRED tổ chức, các diễn giả cho rằng chương trình giáo dục mới là một điểm khởi đầu rất tốt và rất quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai nhiều thế hệ nên cần phải được thực hiện hiệu quả, thành công. Để làm tốt điều này, trước tiên cần phải xác định triết lý giáo dục: Chúng ta muốn xây dựng con người như thế nào? Con người sáng tạo, bản lĩnh hay con người phải cầm tay chỉ việc?
Các phân tích đã chỉ ra rằng, nền giáo dục tốt phải phát huy được yếu tố riêng biệt trong đó, sự sáng tạo, tư duy phản biện là một yêu cầu cần thiết.
Theo TS Nguyễn Khánh Trung (Viện IRED), một học sinh có tư duy phản biện sẽ biết quan sát, đặt câu hỏi về các sự vật hiện tượng xung quanh mình tại sao lại như vậy? đồng thời có tinh thần muốn khám phá, muốn tìm tòi để trả lời những câu hỏi tại sao, như thế nào… và đó là nguồn cội của sự sáng tạo, của các phát minh, sáng kiến.
Cho nên một nền giáo dục không đề cao giáo dục tư duy, kỹ năng phản biện sẽ ảnh hưởng đến chất lượng con người. Những bài học theo lối rập khuôn, sáo mòn sẽ không khích lệ tư duy phản biện và sáng tạo của các em.
Trong số những điểm cần bổ sung cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, theo TS Nguyễn Khánh Trung, việc giáo dục tư duy phản biện được coi là quan trọng.
Ông phân tích, tại các nước phát triển như Phần Lan, Pháp, giáo dục tư duy phản biện là nội dung cốt lõi, là trung tâm trong sứ mệnh của hệ thống giáo dục quốc gia, nó được thể hiện xuyên suốt chương trình giáo dục, có mặt trong từng môn học và từng hoạt động giáo dục.
Tinh thần phản biện (hay tư duy phê phán) không chỉ là chuyện luôn nói “phản” lại những gì có sẵn.
Đứng trước một động cơ, nếu học sinh không có óc phản biện thì sẽ đơn giản biết và chấp nhận động cơ đó vận hành như thế, không muốn tò mò, đặt câu hỏi hay tìm hiểu về nó.
Nhưng một học sinh có tinh thần phản biện sẽ tò mò, sẽ đặt câu hỏi trên nguyên lý vận hành và muốn khám phá…
Óc phản biện trước hết là trí tò mò muốn học hỏi, là trạng thái cởi mở của trí óc; là sự tư duy độc lập, là biết nghi ngờ với những khẳng định đã có; là khả năng phân định những gì đã biết chắc chắn, những gì cần đặt câu hỏi, những gì bản thân hoàn toàn chưa biết gì; ý thức về sự cần thiết bổ sung cho thực tại, thái độ chấp nhận mình có thể sai và thất bại.
Và sau cùng là thái độ lắng nghe ý kiến của người khác. Vì những lẽ đó, giáo dục tinh thần phản biện phải được nhấn mạnh hàng đầu, bởi lẽ đó là nguồn cội của các phát minh, phát kiến, các sáng tạo.
Đó là năng lực tối cần để học sinh có thể tự khai phóng và tự phát triển bản thân, đạt được sự tự chủ về mặt trí tuệ và khả năng nghiên cứu, khả năng tự học hỏi mà dự thảo chương trình phổ thông mới đã đề cập.
Nó đặc biệt quan trọng trong xã hội thông tin của thời hiện đại, nơi tràn ngập các thông tin tốt xấu lẫn lộn.
Hiện tại ở Việt Nam, để giáo dục tư duy phản biện một cách hoàn chỉnh cho học sinh phổ thông là chuyện không hề đơn giản. Rào cản đầu tiên là vấn đề văn hóa khi trong môi trường giáo dục vẫn còn lối tư duy đã không còn phù hợp với sự phát triển năng động của xã hội.
Nhiều thầy cô vẫn nặng nề quan điểm “phản biện” khác nào việc khích lệ trò cãi lại thày cô và người lớn. Chính lối quan niệm ấy đã góp phần làm học sinh trở nên thụ động, lười biếng trong suy nghĩ, tìm kiếm dẫn chứng, cơ sở để phản biện kiến thức của giáo viên truyền thụ.
PGS TS Huỳnh Văn Sơn - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng, trong thời đại ngày nay khi khối kiến thức càng lúc càng trở nên khổng lồ, con người có nhiều cơ hội để tiếp cận tri thức thì việc biết cân nhắc, suy xét, lựa chọn, lọc để biết, hiểu và ứng dụng trở nên rất quan trọng. Đó chính là tư duy phản biện và sức mạnh của nó trong thực tiễn…
Theo đó, chính giảng viên, giáo viên phải là người có tư duy phản biện và là người trước tiên có sự thay đổi cái nhìn của mình về vấn đề này.
Để khích lệ học sinh có tư duy phản biện, trước hết, các nhà giáo tương lai phải được đào tạo bằng phương pháp dạy học tích cực, chú trọng phát triển năng lực cho học sinh.
Một khi thay đổi phương pháp giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm, đề cao tính chủ thể, tính tích cực của học sinh thì sẽ tạo tiền đề tốt cho việc dạy kỹ năng tư duy phản biện cho học sinh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo