Phân luồng tuyến xe khách: Vì sao nhà xe phản đối?
Sáng qua (28/2), khoảng 50 xe của nhiều doanh nghiệp (DN) đang khai thác VTHKLT tuyến Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định đã tập trung, không nhận chở khách, đi xe không theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ lên Hà Nội. Tuy nhiên, do các xe này không thực hiện nhiệm vụ vận chuyển khách nên không được phép đi vào nội thành Hà Nội, theo tin tức trên báo Công an Nhân dân.
Đội CSGT số 8, Phòng CSGT, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã có mặt kịp thời để kiểm soát tình hình. Trước bức xúc của doanh nghiệp, trưa 28/2, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã có mặt tại trạm thu phí Pháp Vân để trao đổi với các doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Văn Viện, đối với một số kiến nghị của doanh nghiệp, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản trả lời đầy đủ. Hơn nữa, vừa qua Thủ tướng cũng rất quan tâm và giao cho Bộ GTVT và Hà Nội họp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/3.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, từ khi thực hiện điều chuyển, các nhà xe này đều rất ít khách, thậm chí có hôm chỉ có 1, 2 khách/chuyến.
Xe nào nhiều chỉ có được 5 khách. Mặc dù các nhà xe đều đã đồng loạt giảm giá từ 75.000 đồng/vé xuống còn 50.000 đồng/vé, nhưng lượng khách vẫn không tăng, dẫn đến các nhà xe thua lỗ và có nguy cơ phá sản.
Ông Trương Hữu Thảo, nhà xe Phiệt Học nói: Chúng tôi chấp hành nghiêm việc thực hiện điều chuyển về bến Nước Ngầm từ đầu tháng 1 đến nay, nhưng về đây quá ít khách.
Nhiều hôm xe xuất bến gần như không có khách. Mỗi xe khách giá trị cả tỷ đồng mà khi xuất bến không có khách nào trên xe nên thua lỗ liên miên. “Chúng tôi đang vay ngân hàng khoảng hơn 20 tỷ đồng. Cứ như hiện nay thì chỉ có nước phá sản.
Về nguyên nhân vắng khách, ông Thảo cho rằng, một phần do “xe dù” quá nhiều, phần vì không có xe buýt đến bến Nước Ngầm. Hành khách đi từ Mỹ Đình và các khu vực khác đến đây lại mất thêm chi phí xe ôm, taxi với giá cao.
Tương tự, ông Nguyễn Sơn La, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh La (Thái Bình) cho rằng, hai tháng nay xe của doanh nghiệp hoạt động không có khách, trong khi hàng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng.
“Chúng tôi mong muốn được trở lại bến xe Mỹ Đình hoạt động. Trong trường hợp không được, chúng tôi mong được vào bến xe Giáp Bát để cạnh tranh bình đẳng với các nhà xe khác”, ông này nói.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, chủ trương điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách là chủ trương của thành phố Hà Nội, mà mục tiêu lớn nhất là giảm ùn tắc giao thông cho tuyến đường vành đai 3, đảm bảo lợi ích chung.
"Chúng tôi rất hoan nghênh đa phần các doanh nghiệp đã thực hiện điều chuyển kịp thời, nghiêm túc, theo đó tình hình ùn tắc trên tuyến vành đai 3 đã giảm.
Chúng tôi ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình điều chuyển luồng tuyến phải thay đổi phương án kinh doanh, một bộ phận khách quen trước đây bị giảm. Chúng tôi đang tiếp tục cùng các doanh nghiệp xem xét để tìm ra phương án tốt nhất", ông Vũ Văn Viện cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo