Pháp luật

“BOT y tế” và những cái chết không thể tránh khỏi

(DNVN)- 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chết tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình là do nguồn nước RO bị nhiễm hóa chất tẩy rửa. Thế nhưng có một sự thật rùng rợn hơn: Đó là nguồn nước dùng cho bệnh nhân chạy thận chưa từng được xét nghiệm theo quy định.

Tử hình người phụ nữ sát hại 2 nhân tình bằng xyanua sau khi “ân ái” / Bình Thuận: Phó Chủ tịch Hội đông y và 1 thầy giáo bị bắt trên chiếu bạc

“BOT y tế”

Trong phiên tòa hôm nay (15/1/2018), khi được Hội đồng xét xử (HĐXX) xét hỏi, cựu giám đốc BV đa khoa Hòa Bình-Trương Quý Dương luôn tìm cách đổ trách nhiệm cho cấp dưới. Ông Dương luôn cho rằng chỉ chịu trách nhiệm chung của người đứng đầu bệnh viện.

Vậy sự thực là ông Trương Quý Dương chỉ “thiếu trách nhiệm” hay đã cố tình vi phạm Quy chế bệnh viện của Bộ Y tế?

Quang cảnh phiên tòa sáng 15/1. Ảnh: Dân Trí

Quang cảnh phiên tòa sáng 15/1. Ảnh: Dân Trí

Theo kết quả điều tra và cáo buộc trước tòa, ông Trương Quý Dương với tư cách Giám đốc BV đã có hàng loạt vi phạm “Quy chế bệnh viện 1895” (được ban hành tại QĐ số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/09/1997 của Bộ Y tế).

Điều cần nhấn mạnh là “Quy chế bệnh viện 1895” “nhằm tăng cường pháp lý công tác quản lý Bệnh viện, cụ thể hoá chức năng nhiệm vụ, chức danh công tác và quy chế quản lý chuyên môn kỹ thuật”. Điều này có nghĩa là các quy định tại Quy chế là bắt buộc phải thực hiện và đây chính là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự của các cá nhân vi phạm.

Theo Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hòa Bình, Trương Quý Dương đã vi phạm Điều 8, Mục I, Chương I, Phần II Quy chế nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách cá nhân ban hành kèm theo QĐ 1895/1997 của Bộ Y tế… Bị can là người ký QĐ số 175 về việc thành lập Đơn nguyên lọc máu… khi hoạt động phải có đầy đủ thành phần, nhân lực cần thiết theo Quy chế công tác khoa lọc máy nhưng từ khi thành lập Đơn nguyên lọc máu, bị can không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên “kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu”; từ năm 2014 đến 2017 không có quyết định giao người phụ trách Đơn nguyên lọc máu…

Theo Kết luận điều tra, ngày 22/12/2009 Trương Quý Dương đã ký Hợp đồng số 64/TS với Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn do Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc về việc liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận nhân tạo với số lượng là 5 máy, giá một lần chạy thận nhân tạo là 400.000 đồng/ca.

 

Công ty Thiên Sơn được hưởng 90% tổng doanh thu và BV đa khoa Hòa Bình hưởng 10% doanh thu trong tháng; thời gian thanh toán tối đa không quá 3.800 lần chạy hoặc 50 tháng kể từ ngày nghiệm thu máy. Theo hợp đồng này, Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật viên sử dụng máy cho BV đa khoa Hòa Bình…

Ông Trương Quý Dương khi còn là giám đốc BV, báo cáo sự cố chạy thận với Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh Dân Trí

Ông Trương Quý Dương khi còn là giám đốc BV, báo cáo sự cố chạy thận với Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh Dân Trí

Sau khi ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn, ông Trương Quý Dương ký QĐ 175 về việc thành lập Đơn nguyên lọc máu trực thuộc Khoa Hồi sức tích cực kể từ ngày 1/2/2010.

 

Ngày 29/9/2010, ông Trương Quý Dương ký tiếp hợp đồng với Công ty Thiên Sơn về việc mua sắm thiết bị chạy thận, trong đó có hệ thống xử lý nước RO số 2.

Trong các năm 2011, 2013 và 2014, ông Trương Quý Dương tiếp tục ký các hợp đồng đặt máy chạy thận nhân tạo, nâng tổng số máy của Công ty Thiên Sơn đặt tại BV lên 13 máy. Lúc này Công ty Thiên Sơn được trả 7,7 USD/1 ca chạy thận nhân tạo. Sau khi máy đạt số ca chạy thận là 4.650 ca/máy thì Công ty Thiên Sơn bàn giao quyền sở hữu cho BV đa khoa Hòa Bình.

Phải nói rằng chủ trương xã hội hóa, thu hút đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực y tế là đúng đắn. Thế nhưng cũng giống như BOT trong giao thông, việc thực hiện không công khai, không minh bạch, không tổ chức đấu thầu và cố ý làm trái các quy định của ngành y tế, ông Trương Quý Dương đã biến “BOT y tế” thành cỗ máy giết người.

Lộ chứng cứ bác sĩ lọc máu -Hoàng Công Lương vô tội

Như bài “Bác sĩ Hoàng Công Lương, ép tội nào cũng không vừa”- Doanh nghiệp Việt Nam đăng tải ngày 14/1/2018, theo “Quy chế công tác khoa lọc máu” (nằm trong “Quy chế bệnh viện 1895” được ban hành tại QĐ số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/09/1997 của Bộ Y tế), không có quy định nào bắt buộc BS Hoàng Công Lương phải biết, phải có “căn cứ xác định chất lượng nguồn nước đảm bảo” thì mới được ký y lệnh lọc máu cho bệnh nhân.

 

Bác sĩ lọc máu Hoàng Công Lương đã thực hiện y lệnh đúng theo quy định của ngành y tế nhưng bị truy tố về tội Vô ý làm chết người. Ảnh Dân Trí

Bác sĩ lọc máu Hoàng Công Lương đã thực hiện y lệnh đúng theo quy định của ngành y tế nhưng bị truy tố về tội Vô ý làm chết người. Ảnh Dân Trí

Một thực tế được cơ quan điều tra xác định, kể từ khi ông Trương Quý Dương cho thành lập Đơn nguyên lọc máu, không có kỹ sư, kỹ thuật viên, cũng không có ai được phân công làm nhiệm vụ để kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước và sau khi lọc máu theo Quy chế công tác khoa lọc máu.

Theo cáo trạng, “các lần sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO đều do Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) ký hợp đồng với Trương Quý Dương, người trực tiếp thực hiện là Bùi Mạnh Quốc và đều được tiến hành vào các ngày chủ nhật để sáng thứ 2 tuần kế tiếp, Đơn nguyên lọc máu tiến hành chạy lọc máy thận nhân tạo luôn mà không chờ xét nghiệm chất lượng nguồn nước, không chờ bàn giao nghiệm thu đưa vào sử dụng (bao gồm cả những lần sửa chữa, bảo dưỡng bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm chất lượng nước)”.

 

Đây là chứng cứ cho thấy ông Trương Quý Dương đã cố tình vi phạm các quy định của ngành y tế, coi thường sinh mạng của người bệnh và đây cũng là chứng cứ cho thấy bác sĩ lọc máu Hoàng Công Lương vô tội. Tòa không thể kết án một bác sĩ đã thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ chỉ vì đã có 9 bệnh nhân chết do lỗi cố ý vi phạm các quy định của ngành y tế của giám đốc BV Trương Quý Dương.
Đỗ Văn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm