Pháp luật

Bắc Cạn: Phát hiện hàng nghìn bình gas bị cắt tai, mài vỏ, “lột xác”

Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Cạn đang tạm giữ hơn 6.000 vỏ bình gas thu giữ tại Công ty Cổ phần gas Khánh Linh để làm rõ những dấu hiệu cắt tai, mài vỏ, “lột xác” các bình gas này nghi để chiếm dụng.

Vụ giải cứu bà chủ tiệm cầm đồ ở Hà Nội: Đặt "bẫy điện" ngăn cản công an / Long An: Hơn chục thanh niên đang phê trong ổ ma túy núp bóng quán cà phê

Ngày 8/6, trao đổi với PV Dân trí, ông Chu Văn Thống - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Cạn - cho biết, từ thời điểm bị kiểm tra (ngày 28/5) đến nay, Công ty Cổ phần gas Khánh Linh (Công ty Khánh Linh, trụ sở tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới, Bắc Cạn) vẫn chưa xuất trình được giấy phép sản xuất, sửa chữa vỏ bình gas.

Phát hiện hàng nghìn bình gas bị cắt tai, mài vỏ, “lột xác” - 1

Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Cạn ghi nhận hiện trạng tại Công ty Khánh Linh.

Cơ quan chức năng đang tạm giữ hơn 6.000 vỏ bình gas thu giữ tại Công ty Khánh Linh để làm rõ nguồn gốc cũng như những dấu hiệu cắt tai, mài vỏ, “lột xác” các bình gas này nghi để chiếm dụng nhằm thao túng thị trường.

Theo ông Thống, đến ngày 10/6 tới, Đoàn liên ngành tỉnh Bắc Cạn và huyện Chợ Mới sẽ tiếp tục có buổi làm việc với đại diện Công ty Khánh Linh để làm rõ những vấn đề liên quan, có căn cứ xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

La liệt bình gas bị cắt tai mài vỏ

Ngày 28/5, Đoàn liên ngành tỉnh Bắc Cạn gồm: Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Cạn, Công an huyện Chợ Mới, Phòng Cảnh sát Môi trường, Phòng Cảnh sát ĐTTP về kinh tế (Công an tỉnh Bắc Cạn) đã tiến hành kiểm tra tại kho bãi của Công ty Khánh Linh.

Phát hiện hàng nghìn bình gas bị cắt tai, mài vỏ, “lột xác” - 2

Phát hiện hàng nghìn bình gas bị cắt tai, mài vỏ, “lột xác” - 3

La liệt các vỏ bình gas có dấu hiệu bị cắt tai, mài vỏ, "lột xác" để trở thành bình gas mang thương hiệu khác.

 

Đoàn liên ngành bước đầu phát hiện và ghi nhận doanh nghiệp này có hoạt động sang chiết gas, sửa chữa vỏ bình gas của các thương hiệu khác nhau. Đây là hành vi vi phạm các quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh gas, khí hóa lỏng.

Theo biên bản xác minh của Đoàn liên ngành về hoạt động sang chiết, sửa chữa vỏ bình gas và chấp hành pháp luật về kinh doanh gas khí hóa lỏng của Công ty Khánh Linh, thời điểm kiểm tra, khu nhà xưởng X2 (khu sửa chữa bình gas) có các khu vực phun sơn, lò đốt, máy bắn bi, máy tháo và lắp van bình…

Trong nhà xưởng, có nhiều vỏ chai LPG (bình gas) loại 12 kg và 45 kg mang nhãn hiệu Perotal gas được đốt vỏ bên ngoài để sửa chữa. Khu vực trong cùng có nhiều vỏ bình gas chưa được sơn có chữ Dai An cùng nhiều tai bình gas có chữ Dai An.

Tại hành lang dẫn vào khu vực X1 (khu sang, chiết gas), nhiều vỏ bình gas đủ màu sắc với các nhãn hiệu, như: Vinashin, Đại Lộc, An Bình, VM gas, Vạn Lộc, Hồng Hà… nằm rải rác. Bên trong trạm sang, chiết gas X1, có 8 máy sang, chiết gas, khu vực rửa bình, xếp vỏ bình.

Tại khu vực tập kết vỏ bình gas, nhiều vỏ bình gas loại 12 kg và 45 kg đã được phun sơn mới, nhãn hiệu Perotal; nhiều vỏ bình đã được sang, chiết, nhãn hiệu Perotal; có nhiều bình gas của các hãng gas khác, như: Shell gas, SIAM GAS, An Binh đã được bơm, chụp mũ bằng màng nhựa.

 

Trước đó một ngày, Đoàn liên ngành về bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Cạn kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Khánh Linh, phát hiện công ty này đã xây dựng thêm xưởng sản xuất, sửa chữa bình gas chưa có hồ sơ về bảo vệ môi trường.

Tẩu tán tang vật trước mặt công an?

Làm việc với Đoàn liên ngành, ông Trần Hữu Thanh - Giám đốc Công ty Khánh Linh - cung cấp hợp đồng giữa công ty với Công ty TNHH CITY GAS miền Bắc, trong đó, có điều khoản sang, chiết gas cho hãng Shell gas và SIAM GAS.

Phát hiện hàng nghìn bình gas bị cắt tai, mài vỏ, “lột xác” - 4

Vỏ bình bị đốt bên ngoài để sửa chữa.

Đối với vỏ bình An Binh gas, ông Thanh lý giải, đây là sản phẩm do Công ty CP Thiên An ủy quyền cho công ty thuê chiết nạp từ năm 2013, hiện còn tồn một số vỏ bình. Ông Thanh cũng cung cấp hợp đồng và giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai do Sở Công thương Bắc Kạn cấp năm 2016.

 

Đối với việc sửa chữa bình gas đúng hãng nhưng lại có những tai vỏ bình mang nhãn hiệu Dai An, ông Thanh cho biết, công ty được hãng gas Dai An nhờ sơn, sửa vỏ bình và có chuyển cho một số tai vỏ. Tuy nhiên, công ty không sửa chữa nên còn lại trong kho.

Đối với các bình gas nhãn hiệu khác, như: Vinashin, An Bình, VM gas, Vạn Lộc gas, Hồng Hà gas, công ty lý giải có thỏa thuận thu gom, lưu giữ với các nhãn hàng trên nhưng công ty chưa xuất trình được văn bản cho cơ quan chức năng.

Phát hiện hàng nghìn bình gas bị cắt tai, mài vỏ, “lột xác” - 5

Đai bình bị cắt, chất thành đống.

Ông Thanh cũng thừa nhận có hoạt động sửa chữa bình gas tại khu xưởng X2 nhưng đến nay, sau 10 ngày Đoàn liên ngành kiểm tra, Công ty Khánh Linh vẫn chưa xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa bình gas theo quy định cho cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, quá trình cơ quan chức năng đang kiểm tra tại xưởng sản xuất của Công ty Khánh Linh, có hoạt động di chuyển các bình gas ra khỏi khu vực sản xuất. Cơ quan công an đề nghị công ty không di dời, di chuyển số vỏ bình ra khỏi phạm vi công ty và làm cam kết với cơ quan chức năng tự bảo quản để cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ.

 

Việc chiếm dụng, sửa chữa bình gas của các doanh nghiệp khác là hoạt động diễn ra khá thường xuyên giữa các doanh nghiệp kinh doanh gas. Bằng cách này, các doanh nghiệp kinh doanh gas khác có thể xóa đi hình ảnh của các thương hiệu cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh thị trường gas.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm