Pháp luật

Bộ Công an tăng cường xử lý hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet

Theo Bộ Công an, năm 2018 lực lượng công an đã khởi tố, điều tra 35 vụ/51 bị can về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Sắp tới sẽ tăng cường phát hiện, đấu tranh với các hành vi làm, mua bán tiền giả và rao bán tiền giả trên mạng Internet.

Giải mã tâm lý tội phạm: Tống tiền bất thành, con bạc ra tay giết người diệt khẩu / Câu chuyện cảnh giác: Chiêu lừa của cô bạn cùng phòng

Người dân phản ánh tới Bộ Công an, thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau và hình thức rao bán công khai đa dạng. Những hành vi này đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.

“Bộ Công an cho tôi hỏi, đối với hành vi mua bán tiền giả và rao bán tiền giả trên mạng Internet sẽ bị xử lý như thế nào, quy định tại văn bản nào?”- người dân thắc mắc.

Bộ Công an tăng cường xử lý hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet - 1

Rao bán tiền giả công khai trên Facebook.

Trả lời việc này, Bộ Công an cho biết, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Năm 2018, lực lượng Công an đã khởi tố, điều tra 35 vụ/51 bị can về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

Pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả. Cụ thể, Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định:Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm.

Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau: “1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. 2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. 3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 4. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau và hình thức rao bán công khai đa dạng.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 và Điểm d, e Khoản 1 Điều 18 của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) thì hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

“Thời gian tới, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả và hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet”- Bộ Công an cho hay.

Theo Thế Kha/Dân Trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm