Pháp luật

Chủ tọa mệt nên đọc nhầm án phí vụ ly hôn vợ chồng Trung Nguyên từ 8 tỷ lên đến 80 tỷ

Theo đối chiếu với quy định của pháp luật về án phí dân sự sơ thẩm, mức án phí của vụ tranh chấp ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo là một con số thấp hơn đến 10 lần.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo “phản pháo” quan điểm không đóng góp cho Trung Nguyên / Vụ ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên vẫn xử chưa xong

Con số án phí hơn 81 tỷ đồng gây ngỡ ngàng

Chiều hôm qua 27/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ khép lại với bản án tuyên công nhận ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo.

Bên cạnh những phán quyết về quyền nuôi con, phân chia tài sản và cổ phần, phiên tòa còn gây chú ý vớimức án phí mà ông Vũ và bà Thảo phải nộptheo HĐXX công bố. Theo đó,án phí mà bà Thảo phải chịu bao gồm án phí ly hôn 300.000 đồng, án phí cho phần tài sản là 34,2 tỷ đồng; ông Vũ phải đóng 48,7 tỷ án phí tài sản.

Cấn trừ vào tiền đã tạm ứng trước đó, HĐXX thông báo bà Thảo phải nộp 32,6 tỷ đồng án phí, ông Vũ phải nộp hơn 47,4 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số án phí ông Vũ, bà Thảo phải nộp thêm lên đến 80 tỷ đồng. Đây là mức án phí cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Chủ tọa mệt nên đọc nhầm án phí vụ ly hôn vợ chồng Trung Nguyên từ 8 tỷ lên đến 80 tỷ-1

Ông Vũ, bà Thảo tại phiên tòa xét xử ly hôn chiều 27/3.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với quy định của pháp luật về án phí dân sự sơ thẩm, mức án phí của vụ tranh chấp ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo không cao tới mức như vậy.

Tluật sư Trần Minh Hùng – Đoàn luật sư TP. HCM, án phí dân sự là số tiền đương sự phải nộp ngân sách nhà nước khi vụ án dân sự được tòa án giải quyết.

Các đương sự phải chịu mức án phí theo quy định của pháp luật đối với từng loại vụ việc, trên cơ sở lợi ích và mức độ lỗi của họ trong quan hệ pháp luật Tòa án giải quyết. Án phí dân sự bao gồm: Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch, không có giá ngạch, án phí dân sự phúc thẩm giải quyết vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Theo luật sư Hùng, trong quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Nghị quyết số 326 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội có nêu rõ đối với án dân sự liên quan đến tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch (điểm e Mục 1.3 Nghị quyết số 326) với tổng tài sản có giá trị từ 4.000.000.000 đồng (4 tỉ đồng) trở lên thì án phí được tính như sau: 112.000.000 đồng (112 triệu đồng) + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỉ đồng.

Cụ thể, trong vụ án này, khối tài sản chung của ông Vũ và bà Thảo trị giá 8.229 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt, vàng, bất động sản và cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên).Theo phán quyết từ HĐXX, bà Thảo được sở hữu 40% tài sản (hơn 3.364 tỷ), ông Vũ có 60% tài sản (hơn 4.864 tỷ).

Đối với tranh chấp tài sản trong vụ án dân sự có giá trị tài sản tranh chấp trên 4 tỷ đồng, mỗi bên sẽ phải nộp tiền án phí cho Nhà nước là: Án phí112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng

Đối chiếu trong trường hợp này, giá trị tài sản tranh chấp là 8.229 tỷ đồng, tổng mức án phí phải nộp của 2 đương sự là:112.000.000 + 0,1% * (8.229.000.000.000 - 4.000.000.000) = 8.337.000.000 đồng

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo chỉ phải nộp hơn 8 tỷ đồng tiền án phí,án phí tòa án tuyên buộc các đương sự trong vụ án này phải nộp đã gấp 10 lần theo quy định.

HĐXX đưa ra phán quyết cuối cùng về việc phân chia tài sản giữa ông Vũ - bà Thảo

Theo luật sư Hùng, mức án phí có thể đính chính được khi chưa phát hành bản án. Bên cạnh đó, phía nguyên đơn và bị đơn cũng có thể kháng cáo về mức án phí nếu như nhận thấy có sự nhầm lẫn của toà án sơ thẩm.

Chủ tọa HĐXX thừa nhận sai sót, nói do... mệt nên đọc nhầm!

Liên quan đến sự việc trên,ông Nguyễn Văn Xuân - chủ tọa phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo thừa nhận mức án phí 81 tỷ đồng là không đúng, do mình mệt nên đọc nhầm.

Theo đó, ông Xuân chia sẻ cùng báo Tuổi Trẻ:"Vụ án quá phức tạp, số liệu rất lớn, bản án quá dài. Thật sự, tôi đọc mờ cả mắt.

Pháp luật cho phép nếu tính toán sai số liệu thì tòa có quyền ra quyết định đính chính bản án. Ở đây số liệu đúng nhưng đọc nhầm nên khả năng tôi sẽ ra thông báo gửi các đương sự và sẽ phát hành bản án chính xác để họ biết và không khiếu nại".

Chủ tọa mệt nên đọc nhầm án phí vụ ly hôn vợ chồng Trung Nguyên từ 8 tỷ lên đến 80 tỷ-2

Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân thừa nhận đọc nhầm do quá mệt.

Về việc khắc phục sai sót này như thế nào, lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết HĐXX sẽ chọn cách giải quyết phù hợp nhất, đúng với thủ tục tố tụng.

Theo Tổ quốc
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm