Pháp luật

Điện Biên: Đường thi công gần xong mới có quyết định… thu hồi đất

Dự án đường từ cầu A1 đến cầu C4 thuộc “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – TP Điện Biên Phủ” triển khai gần xong thì người dân nhận được quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

Trước thềm EURO 2020, Bộ Công an yêu cầu tăng cường phát hiện, đấu tranh tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá / Hà Nội: Thanh niên dùng ảnh “nóng” bắt bạn gái cũ ký hợp đồng tình dục

Cho rằng, quyết định trái luật, đại diện các gia đình đã yêu cầu xem xét trách nhiệm những người có liên quan.

“Tiền trảm, hậu tấu”?

Ngày 25/5, Báo GD&TĐ nhận được phản ánh của ông Trần Ngọc Tuyên là người đại diện theo ủy quyền của gia đình bà Lò Thị Kim Thu và ông Lò Văn Minh, có địa chỉ tại bản Him Lam 1, Phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Ông Tuyên phản ánh, ngày 18/5, gia đình bà Thu nhận được Quyết định số 1032, ngày 17/5 của Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ về việc cưỡng chế thu hồi 122,7m2 đất.

Diện tích đất bị cưỡng chế thu hồi là thửa đất số 56, tờ bản đồ số 2, do Công ty cổ phần Việt Thành thực hiện ngày 10/7/2017, được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt ngày 18/7/2017. Vị trí thửa đất tại bản Hoong En, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ. Mục đích cưỡng chế là để thực hiện Dự án: “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – TP Điện Biên Phủ” giai đoạn II, hạng mục đường từ cầu A1 đến cầu C4.

Ông Tuyên cho biết, diện tích 122,7m2 đất bị cưỡng chế thu hồi theo quyết định trên chính là diện tích mà tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và chính quyền địa phương đã đo đạc, kiểm đếm. Đơn vị thi công đã tiến hành san ủi để làm đường. Gia đình bà Thu, ông Minh đồng ý bàn giao và không có hành vi cản trở khác.

“Ngay từ những ngày đầu triển khai Dự án đường (A1-C4), gia đình bà Thu hoàn toàn đồng thuận, sẵn sàng bàn giao đất để đơn vị thi công Dự án bảo đảm đúng tiến độ đề ra”, ông Tuyên cho biết.

Ngày 27/5, Báo GD&TĐ đã có mặt tại bản Hoong En, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ để xác minh nội dung phản ánh. Trên thực tế, toàn bộ diện tích 122,7m2 đất của gia đình bà Thu đã được đơn vị thi công làm đường. Đoạn đường đi qua diện tích đất của gia đình bà Thu hiện đã hoàn thiện hệ thống thoát nước kiên cố hai bên đường, đang triển khai lu nèn mặt đường.

Ông Tuyên cho rằng, diện tích cưỡng chế thu hồi 122,7m2 đất theo Quyết định 1032 chỉ là để hợp lý hóa về thủ tục hành chính. Sở dĩ gia đình bà Thu chưa ký biên bản bàn giao mặt bằng bởi vẫn đang yêu cầu phải được tham gia ký vào biên bản đo đạc, xác định mốc giới thửa đất trước khi bàn giao.

Dù gia đình bà Thu đã chấp hành đúng theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 69 - Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, cán bộ thuộc tổ chức bồi thường, giải phòng mặt bằng lại thực hiện không đúng trình tự.

Bởi thế, nên dù đã ký vào biên bản kiểm đếm tài sản rồi nhưng gia đình vẫn chưa được ký biên bản đo đạc thửa đất (Biên bản quy chủ quyền sử dụng đất).

Theo ông Tuyên, tại khoản 4, điều 69 - Luật Đất đai 2013 quy định: “Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng”.

Trong trường hợp này, gia đình bà Thu chưa ký vào biên bản bàn giao mặt bằng song đơn vị thi công vẫn thản nhiên làm đường trên diện tích chưa được “giải phóng” là trái quy định.

Cưỡng chế, thu hồi thửa đất nào?

Ông Tuyên cho biết, tính đến ngày 30/5, gia đình bà Thu mới chỉ nhận được Quyết định số 1787, ngày 3/12/2018 của UBND thành phố Điện Biên Phủ về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – TP Điện Biên Phủ, giai đoạn II (2017 - 2020).

Quyết định nêu rõ: Thu hồi 122,7m2 đất trồng cây hàng năm. Số diện tích trên được bồi thường với tổng số tiền hơn 8,6 triệu đồng. Cũng đến nay, gia đình bà Thu vẫn chưa nhận được Quyết định thu hồi đất của chính quyền thành phố.

Ông Lường Văn Toản, Chủ tịch UBND phường Nam Thanh cho biết: Gia đình bà Thu cũng như các gia đình thuộc diện giải toả ở bản Hoong Em đã rất tích cực phối hợp với chính quyền địa phương. Họ cũng phối hợp với các ngành chức năng trong quá trình tổ chức kiểm đếm và bàn giao mặt bằng, không gây cản trở trong lúc thi công dự án.

Trong khi đó, tại Điểm d, Khoản 3, Điều 69 Luật Đất đai 2013 quy định: “Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định”.

Còn Khoản 2, Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định: Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

“Người có đất thu hồi không chấp hành Quyết định kiểm đếm bắt buộc sau khi UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục”.

Trong khi tại các cuộc họp gần đây (ngày 6/5 và 1/6 - xung quanh về cưỡng chế thu hồi đất của gia đình bà Thu) tại UBND phường Nam Thanh, ông Tuyên vẫn cho rằng: Thực tế, mặt bằng thửa đất của gia đình bà Thu đã được doanh nghiệp thi công gần xong con đường.

Gia đình bà Thu luôn sẵn sàng ký biên bản bàn giao mặt bằng về hình thức (mang tính thủ tục). Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải bàn giao lại cho gia đình bà Thu quyết định thu hồi thửa đất, thực hiện ký biên bản đo đạc và mốc giới thửa đất đã thu hồi.

Cùng với đó là việc được ký nhận luôn số tiền bồi thường như đã nêu. Còn việc chính quyền ban hành quyết định cưỡng chế phải chăng là việc cưỡng chế nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng?

Từ những căn cứ nói trên, ông Tuyên cho rằng, việc Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình bà Lò Kim Thu khi chưa có Quyết định thu hồi đất là trái với các quy định tại các Khoản 3, Điều 69 và Khoản 2 điều 71 Luật Đất đai 2013.

Vì vậy, ông Tuyên đã đề nghị UBND thành phố cho biết việc thi hành cưỡng chế theo Quyết định trên áp dụng với thửa đất nào? Ông Tuyên cũng đề nghị UBND TP Điện Biên Phủ và UBND tỉnh Điện Biên cần xem xét trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan khi ban hành Quyết định không đúng với trình tự, pháp luật của UBND thành phố Điện Biên Phủ.

Qua đó, xử lý kịp thời những bức xúc và kiến nghị chính đáng của nhân dân. Bởi theo ông Tuyên, từ Quyết định trên đã gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân người mất đất khi việc cưỡng chế được niêm yết công khai.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm