Pháp luật

Gửi tiết kiệm mất tiền: Khách hàng đừng vì ham lãi suất "giả"

(DNVN)- Một khách hàng ở Hà Nội gửi tiết kiệm 20 tỷ đồng tại Ngân hàng Việt Á. Bỗng dưng thấy số tiền 20 tỷ của mình "bốc hơi". Công an vào cuộc tìm ra nguyên nhân. Đây không phải là trường hợp duy nhất khi người có tiền lại "giao trứng cho ác".

Gia Lai: Khởi tố thầy giáo dâm ô học sinh lớp 8 / Không góp đủ vốn điều lệ xử lý thế nào?

"Bay" 20 tỷ trong sổ tiết kiệm

Nhận được đơn tố giác của Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) và ông Đặng Nghĩa Toàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Cơ quan An ninh điều tra- Công an Hà Nội tiến hành điều tra và quyết định khởi tố vụ án và bắt giam Nguyễn Thị Hà Thành và một nhân viên Ngân hàng VAB về hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" có giá trị hàng trăm tỷ đồng tại Ngân hàng VAB, thông qua việc giả mạo hồ sơ vay vốn, thế chấp bằng sổ tiết kiệm tại các ngân hàng.


Điều lạ lùng là Nguyễn Thị Hà Thành không phải là nhân viên của Ngân hàng VAB. Vậy tại sao đối tượng Hà Thành lại có thể rút được số tiền 20 tỷ đồng gửi trong sổ tiết kiệm của ông Đặng Nghĩa Toàn?

Theo ông Đặng Nghĩa Toàn: Ngày 5/7/2018, ông Toàn gửi số tiền 20 tỷ vào sổ tiết kiệm số BH 1962471. Ngày 12/12/2018 ông Toàn đến ngân hàng VAB trình báo bị thất lạc sổ tiết kiệm nói trên và yêu cầu ngân hàng cấp lại sổ tiết kiệm để rút tiền.

Tuy nhiên, Ngân hàng VAB thông báo rằng, sổ tiết kiệm có số dư của ông Toàn đã bị phong tỏa, do ông Toàn đã ký vay tiền. Ông Toàn cam kết chưa từng ký bất kỳ tờ giấy nào để vay tiền tại VAB. Ông Toàn yêu cầu phía VAB xác minh, giám định chữ ký của ông Toàn, nếu đúng là chữ ký của ông Toàn thì ông Toàn hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Sau khi xác minh, điều tra, Công an Hà Nội xác định chữ ký trong hồ sơ vay tiền cầm cố sổ tiết kiệm của ông Toàn không phải chữ ký của ông Toàn, nên đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Thị Hà Thành, người đã giả mạo chữ ký của ông Toàn và một nhân viên của VAB.

"Giao trứng cho ác"

Thực sự ông Đặng Nghĩa Toàn có bị mất sổ tiết kiệm như đã khai báo với Ngân hàng VAB?

Báo Tiền phong dẫn lời tường trình của ông Toàn: Năm 2017, qua các mối quan hệ xã hội, ông Toàn quen Nguyễn Thị Hà Thành (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Khi tiếp xúc, Thành tự giới thiệu làm liên doanh cho 4 ngân hàng lớn, hiện các ngân hàng này đang thiếu chỉ tiêu huy động vốn nên nhờ ông Toàn hỗ trợ gửi tiền vào các ngân hàng theo hình thức sổ tiết kiệm. Cũng theo lời của Thành, ngoài khoản lãi suất ghi trên sổ tiết kiệm thì ông Toàn còn nhận được khoản tiền thưởng tương đương...

Theo hướng dẫn của Thành, ông Toàn đã làm thủ tục gửi tiết kiệm tại 4 ngân hàng với tổng số tiền 142 tỷ đồng, trong đó tại ngân hàng Việt Á là 20 tỷ đồng.

Sau khi vợ chồng ông Toàn hoàn tất các thủ tục mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng, Thành ứng trước số tiền lãi ghi trên sổ tiết kiệm mà ông Toàn sẽ được hưởng khi đến kỳ hạn tất toán, cùng số tiền trả thưởng tương ứng.

Sau khi đưa tạm ứng tiền lãi suất, Thành đề nghị ông Toàn đưa lại sổ tiết kiệm để Thành giữ làm tin với lời giải thích: “Em vừa ứng lãi suất cho anh nên muốn giữ lại sổ tiết kiệm vì sợ anh quay lại tất toán rút tiền thì em sẽ bị kỷ luật. Anh yên tâm số tiền trong sổ tiết kiệm của anh không thể mất hay thiếu hụt vì không có chữ ký của chủ sổ. Cộng với đó, nếu không có bất kỳ giao dịch nào liên quan tới số tiền trong tài khoản hoặc sổ tiết kiệm thì phía ngân hàng sẽ phải liên hệ với anh để xác nhận…”.

Đến ngày 6/12/2018, ông Toàn nghe được thông tin Nguyễn Thị Hà Thành đang bị giữ tại trụ sở của một ngân hàng vì bị tình nghi câu kết với một số đối tượng làm giả hồ sơ rút tiền trong sổ tiết kiệm của khách hàng. Ông Toàn đã tìm Thành và đối tượng này thú nhận rằng đã câu kết với nhân viên ngân hàng làm giả chữ ký của vợ chồng ông để bảo lãnh cho một số công ty vay vốn.

ÔngToàn tới các ngân hàng mình đã gửi để kiểm tra thông tin và đều được thông báo sổ tiết kiệm của ông đang bị phong toả cho các khoản vay mà vợ chồng ông không hề hay biết.

Bài học đắt giá về "mồi nhử" lãi suất cao

Nhân viên Ngân hàng VAB cấu kết với Nguyễn Thị Hà Thành để chiếm đoạt số tiền trong sổ tiết kiệm của ông Đặng Nghĩa Toàn là đã rõ và phải chịu trách nhiệm với số tiền 20 tỷ đồng mà Nguyễn Thị Hà Thành đã chiếm đoạt. Việc quản lý tiền gửi của khách hàng ở nhiều ngân hàng còn khá lỏng lẻo nên nhiều nhân viên ngân hàng đã lợi dụng để chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.

Với ông Đặng Nghĩa Toàn, sổ tiết kiệm của mình với số tiền lớn như vậy lại giao cho một người chỉ là quen biết trong xã hội cầm giữ, để Nguyễn Thị Hà Thành có điều kiện giả mạo chữ ký để chiếm đoạt. Phải chăng vì niềm tin, vì số tiền thưởng mà Nguyễn Thị Hà Thành đã "thả con săn sắt, bắt con cá rô".

Điển hình như vụ lừa đảo 200 tỷ đồng xảy ra ở Lào Cai. Biết bà Lê Thị Huệ ở tổ 12, phường Nam Cường (TP Lào cai) không phải là nhân viên ngân hàng, nhưng tin lời bà Huệ là có mối quan hệ tốt với nhiều ngân hàng nên gửi tiền tiết kiệm được hưởng lãi suất cao, nhiều người đã giao số tiền lớn cho bà Huệ.

Cầm hơn 200 tỷ của những người tin tưởng mình, bà Huệ yêu cầu người gửi ký sẵn giấy nộp tiền, nhưng chỉ nộp và làm sổ tiết kiệm trị giá có một triệu đồng, sau đó là giả sổ tiết kiệm để giao cho mọi người.

Nhiều khách hàng được xác định là "VIP", nên nhiều ngân hàng đã tạo điều kiện là nhân viên đến tận nhà làm thủ tục tiền gửi tiết kiệm, các giấy tờ, sổ đã được ký sẵn, nên lợi dụng "chế độ ưu đãi khách VIP", nhiều nhân viên ngân hàng đã chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng một cách dễ dàng.

Vụ chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng của 6 khách hàng xảy ra tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh TP Vinh (Nghệ An) do nhân viên Nguyễn Thị Lam thực hiện cũng với chiêu bài "lãi suất cao".

Lam bỏ tiền túi để trả phần lãi suất chênh lệnh cho khách hành nên được nhiều người tin tưởng, khi gửi hoặc rút tiền tiết kiệm, 6 khách hàng "ruột" của Lam đã không trực tiếp đến ngân hàng mà chỉ liên hệ với Lam.

Nguyễn Thị Lam đã đề nghị các giao dịch viên chuẩn bị các chứng từ: lệnh chi, ủy nhiệm chi, bản kê chi tiền... và giao cho khách tại nhà. Thậm chí nhiều khách quá tin còn ký khống vào các chứng từ.

Để đảm báo tiền gửi của mình thì chính khách hàng phải bảo vệ số tiền của mình, đừng vì "bẫy" lãi suất cao mà đem "trứng gửi cho ác". Để lấy lại số tiền đã bị chiếm đoạt, gian truân lắm.

Hà Vân
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm