Pháp luật

Hà Nội: Phá nhóm buôn công cụ hỗ trợ, thu hơn 2.000 sản phẩm

Sau thời gian kinh doanh phụ kiện thời trang, Lâm và Hiệp rủ nhau kinh doanh công cụ hỗ trợ. Hơn chục người trong nhóm của Lâm được phân công nhiệm vụ cụ thể, từ quảng cáo trên mạng xã hội, quản lý kho hàng, bán và giao hàng cho khách khắp cả nước.

Tráo xe Wave lấy SH đem bán, bị tuyên phạt 5 năm tù / Nghệ An: Ngụy trang 10kg ma túy trong hộp sữa, 2 người lĩnh án tử

Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội) vừa triệt phá ổ nhóm mua bán, tàng trữ công cụ hỗ trợ, thu giữ hơn 2.000 sản phẩm là công cụ hỗ trợ các loại.

Trước đó, ngày 5/12/2018, tổ công tác Phòng Cảnh sát Hình sự tuần tra kiểm soát trên địa bàn quận Hà Đông, khi đến trước cửa số nhà 80 đường Bạch Thái Bưởi (phường Phúc La) phát hiện 2 nam thanh niên đi xe máy, nam thanh niên ngồi sau ôm một thùng các-tông có biểu hiện nghi vấn.

Tiến hành dừng xe kiểm tra hành chính, tổ công tác phát hiện trong thùng các-tông có 5 khẩu súng bắn điện, 3 kìm chích điện, 5 đèn pin dùi cui điện, 3 dùi cui 3 khúc.

Cảnh sát thu hơn 2.000 sản phẩm công cụ hỗ trợ.
Cảnh sát thu hơn 2.000 sản phẩm công cụ hỗ trợ.

Bước đầu, Đặng Văn Hiệp (SN 1993, quê Yên Thành, Nghệ An; hiện trú tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) và Hà Văn Phong (SN 1992, trú tại Thuận Châu, Sơn La) khai nhận đang làm thuê cho Nguyễn Xuân Lâm (SN 1993, trú tại xã Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định) tại C42 TT7 khu đô thị Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông). Hiệp và Phong đang mang số công cụ hỗ trợ trên đi bán cho khách. Tại tầng 4 ở địa chỉ trên còn cất giấu số lượng lớn công cụ hỗ trợ.

Khám xét khẩn cấp tại địa chỉ C42 TT7 khu đô thị Văn Quán, Công an Hà Nội thu giữ 590 chiếc bình xịt hơi cay, 358 chiếc đèn pin giật điện các loại, 814 chiếc dùi cui 3 khúc giật điện các loại, 63 chiếc thỏi son giật điện, 12 khóa số 8, 60 khẩu súng giật điện, 135 chiếc kìm giật điện (tổng số 2.032 công cụ hỗ trợ).

Cơ quan điều ra bước đầu làm rõ các đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ công cụ hỗ trợ, gồm: Nguyễn Xuân Lâm, Đặng Văn Hiệp, Hà Văn Phong, Bùi Thị Thu Thảo (SN 1996, trú tại thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội), Nguyễn Văn Thuận (SN 1996, trú tại Phượng Châu, Chương Mỹ), Đỗ Hoàng Lợi (SN 1995, trú tại Tuần Trực, Trực Ninh, Nam Định), Trần Thị Diệu (SN 1995, trú tại xã Vạn Thái, Ứng Hòa, Hà Nội), Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1996, quê Sông Công, Thái Nguyên; hiện trú tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Hồng Hạnh (SN 1996, quê Sông Công, Thái Nguyên; hiện trú tại Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội), Đào Thị Thu Hà (SN 1999, trú tại xã Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội) và Trần Bích Ngọc (SN 1991, trú tại phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội).

Căn cứ vào tài liệu thu thập được và lời khai nhận của các đối tượng, cơ quan điều tra làm rõ, ổ nhóm mua bán, tàng trữ công cụ hỗ trợ này hoạt động khép kín, mỗi đối tượng được phân công nhiệm vụ rất rõ ràng.

Tháng 6/2018, Nguyễn Xuân Lâm và Đặng Văn Hiệp góp vốn để kinh doanh phụ kiện thời trang nam, nữ như ví da, thắt lưng da, túi xách da tại địa chỉ C42 TT7 khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông.

 

Đến tháng 9/2018, Lâm và Hiệp rủ nhau kinh doanh mặt hàng công cụ hỗ trợ như dùi cui ba khúc loại thường, có lá chắn và giật điện, đèn pin giật điện, bình xịt hơi cay, súng bắn điện, khóa số 8, kìm giật điện, súng bắn điện, thắt lưng da gắn dao, thỏi son giật điện… Số công cụ hỗ trợ này được các đối tượng mua từ Trung Quốc về Việt Nam, rao bán trên mạng xã hội Zalo, facebook, youtube kèm theo các số điện thoại.

Lâm và Hiệp thuê Bùi Thị Thu Thảo làm kế toán và kiểm soát hàng; thuê Hà Văn Phong phụ trách kho, đóng gói và đi gửi hàng cho khách ở tỉnh ngoài tại bưu cục Hà Cầu (quận Hà Đông) và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm).

Nguyễn Văn Thuận được giao nhiệm vụ giới thiệu các sản phẩm công cụ hỗ trợ như quay clip, livestream trên các trang mạng xã hội và nhóm kín có tên “Shop baton Hà Nội”, “Shop baton tự vệ”… về tính năng, tác dụng và giá cả từng món hàng.

Đỗ Hoàng Lợi được giao nhiệm vụ thiết kế hình ảnh, chụp ảnh, quay video, đăng tải ảnh, chèn số điện thoại, địa chỉ vào hình ảnh các sản phẩm trên các trang mạng bán hàng trực tuyến; Đào Thị Thu Hà đi giao hàng cho khách mua; Nguyễn Hồng Hạnh, Trần Bích Ngọc, Nguyễn Thị Thu Thủy, Trần Thị Diệu có nhiệm vụ bán các sản phẩm công cụ hỗ trợ trên mạng internet.

Nguyễn Xuân Lâm và Đặng Văn Hiệp khai mỗi loại công cụ hỗ trợ trên được các đối tượng mua với giá từ 80-900 nghìn đồng/sản phẩm; bán ra thị trường từ 150 nghìn đến 1,5 triệu đồng/sản phẩm.

 

Ngày 5/12/2018, khi Hiệp và Phong đi giao hàng cho khách đặt mua thì bị lực công an phát hiện, bắt giữ.

Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm