Pháp luật

Không nên quy định cứng nhắc, tuyệt đối về nồng độ cồn khi tham gia giao thông

DNVN - Thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, một số đại biểu quốc hội kiến nghị không nên quy định cứng nhắc, tuyệt đối về nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cần giới hạn nhất định về nồng độ cồn mới phạt vi phạm.

Ngoài rượu bia, những loại thực phẩm này cũng rất dễ tạo ra nồng độ cồn / Hơn 13.000 người vi phạm nồng độ cồn bỏ luôn xe ở TP Hồ Chí Minh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 24/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, thời gian qua, diễn biến an toàn trật tự giao thông có nhiều vấn đề phức tạp mới.

Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định cụ thể, sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác, chưa quy định đầy đủ, cụ thể về biện pháp duy trì trật tự an toàn giao thông. Có nhiều yếu tố khác về giao thông đường bộ cần được quy định đầy đủ, cụ thể, để tạo hành lang pháp lý quan trọng về đầu tư, xây dựng phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Vì vậy, việc ban hành riêng biệt Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự án luật, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý. Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông quan trọng.

Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, bảo đảm tính khả thi.

Cùng quan điểm này, đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, chúng ta đang muốn kiểm soát năng lực hành vi, trong khi rượu chỉ là một trong số những tác nhân. Rượu khi uống nhiều quá mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi, uống ít thì có lẽ cũng chưa có ảnh hưởng. Bởi vậy, cần phải phân biệt rõ giữa năng lực hành vi với tác nhân, việc dùng hay không dùng rượu.

Đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị không nên quy định cứng nhắc, tuyệt đối về nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long kiến nghị không nên quy định cứng nhắc, tuyệt đối về nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cần quy định như trong luật cũ, nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt.

Trước đó, báo cáo về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan. Mục tiêu quan trọng nhất của việc này là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông.

Có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối với người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Nhưng cũng có các ý kiến đề xuất cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học đề đưa ra mức giới hạn thấp nhất.

Với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm