Pháp luật

Phối hợp xử lý nghiêm vi phạm của ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm

DNVN - Bộ Tài chính khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước để xử lý nghiêm các vi phạm của cả ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp bảo hiểm nếu có.

Đà Nẵng: Điều chỉnh lãi suất chậm đóng, trốn đóng, truy thu bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp / Thanh, kiểm tra các công ty bảo hiểm để ngăn chặn sản phẩm biến tướng

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đã phát triển nhanh chóng và có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ).

Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay.

Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Phối hợp xử lý nghiêm vi phạm của ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm phải thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thực hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng.

“Các doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng cường các biện pháp giám sát chất lượng tư vấn bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng như thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử và công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Thực hiện giám sát độc lập hoạt động cung cấp thông tin và tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung ủy quyền tại hợp đồng đại lý của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm”, Bộ Tài chính yêu cầu.

Bộ Tài chính cũng cho biết, bộ đã chủ động làm việc với lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

“Thực hiện phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm và sẽ phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm của cả ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp bảo hiểm nếu có. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ, chủ động cung cấp thông tin theo thẩm quyền và chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”, Bộ Tài chính khẳng định.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm