Pháp luật

TP.HCM: Tại sao Nguyễn Hữu Linh tiếp tục bị đề nghị truy tố?

Sau khi có kết luận giám định bổ sung, cơ quan điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Hữu Linh tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Giải mã tâm lý tội phạm: Siêu mẫu 'tung chiêu' trả thù đời / Sóc Trăng: Bị hại náo loạn sau phiên tòa

Theo cơ quan điều tra Công an quận 4, căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai các bên liên quan, chuỗi hành vi khách quan của bị can Nguyễn Hữu Linh đã cấu thành tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Dù kết luận giám định bổ sung của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TPHCM không xác định được bàn tay trái của ông Linh có chạm vào người bị hại hay không nhưng không thay đổi bản chất vụ án.

Bị can Nguyễn Hữu Linh tiếp tục bị đề nghị truy tố.

Bị can Nguyễn Hữu Linh tiếp tục bị đề nghị truy tố.

Liên quan tới vấn đề này, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: với chứng cứ như vậy thì rất khó xử tội dâm ô, bởi vì bị hại nói không sờ vào vùng nhạy cảm, đối tượng nói không và camera cũng không xác định được hành vi thì rất khó xử.

"Trong vụ việc này, ông Nguyễn Hữu Linh đã bị tòa án lương tâm truy vấn, nhân cách, đạo đức và gia đình của ông ta đã có những bản án riêng và bài học thỏa đáng. Về vụ án này, để tiếp tục chứng minh và buộc tội ông Linh thì rất chông gai và nan giải”, luật sư Toàn nhận định.

Theo một thẩm phán chuyên xét xử án hình sự tại TPHCM, kết luận giám định chỉ là một trong rất nhiều nguồn chứng cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án. Hành vi “di chuyển bàn tay trái” của bị can vẫn là một sự kiện có thật và nó nằm trong tổng thể các hành vi được xem là có dấu hiệu của tội dâm ô. Vì vậy, hành vi này phải được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trong mối tương quan với các hành vi khác thể hiện qua hình ảnh camera. Khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra không chỉ căn cứ vào hành vi “di chuyển bàn tay trái” của bị can Nguyễn Hữu Linh mà còn căn cứ vào nhiều hành vi khách quan khác.

Thẩm phán này cho biết thêm, căn cứ vào kết luận giám định thì không thể xác định Nguyễn Hữu Linh có vô tội hay không. Vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm, vì vậy TAND quận 4 đã 2 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm củng cố chứng cứ buộc tội bị can. Hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, phải thỏa mãn bàn tay trái của ông Linh chạm vào vùng nhạy cảm. Nói vậy để thấy, việc tòa án chưa thể đưa ra xét xử là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện nay. Cụ thể, trong vụ án này, TAND quận 4 đã tuân thủ quy định tại Điều 31 Hiến pháp năm 2013 là hết sức đúng đắn.

Tại cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Hữu Linh thừa nhận thực hiện hành vi phạm tội khi có sử dụng rượu bia. Bị can Nguyễn Hữu Linh bị đề nghị truy tố theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

 

Ông Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM) nhìn nhận rằng: "Có nhiều loại tội danh nếu sử dụng rượu bia mà thực hiện hành vi thì có thể được xem là tình tiết tăng nặng. Riêng tội dâm ô thì sử dụng rượu bia hoặc người có trình độ học vấn cao, từng giữ chức vụ quan trọng không được xem là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ".

Theo ông Vũ Phi Long, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã nêu rõ, đối với những vụ án gây phẫn uất trong dư luận, được dư luận quan tâm thì chắc chắn người phạm tội sẽ không được hưởng án treo.

"Theo luật thì không cấm cho hưởng án treo nhưng về phía ngành tòa án có những quy định phải hạn chế, thậm chí có những loại tội danh không được cho hưởng án treo. Đây là vụ án dư luận phẫn nộ, dư luận đã quan tâm như vậy thì không thể cho hưởng án treo", ông Vũ Phi Long nhận định.

Theo Hồng Lĩnh/dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm