Pháp luật

TPHCM: Kẻ giết 2 "hiệp sĩ" ở Sài Gòn lãnh án tử hình

Sau khi nghe tòa tuyên án tử hình, bị cáo Nguyễn Tấn Tài (Tài mụn) vẫn giữ gương mặt lạnh lùng, không chút tỏ ra hối hận.

Hà Nội: Lái xe hất cảnh sát lên nắp capo lĩnh án về tội “Giết người” / Người nhà bé gái 12 tuổi bị sát hại đề nghị tăng hình phạt với 2 đối tượng giết người

Ngày 29/11, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tấn Tài (sinh năm 1994, ngụ quận 12, TPHCM) mức án tử hình và Nguyễn Hoàng Châu Phú (sinh năm 1994, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) mức án từ chung thân về các tội giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản.

Liên quan đến vụ án, Ngô Văn Hùng (sinh năm 1986, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) bị tuyên phạt 4 năm tù và Trịnh Thị Như (sinh năm 1991, vợ Hùng) bị tuyên phạt 1 năm tù cho hưởng án treo về tội che giấu tội phạm.

Trong phần xét hỏi, Tài bác bỏ toàn bộ cáo trạng và kết luận điều tra, Tài cho rằng ở gần nhà Phú nên quen biết, cả 2 nhiều lần đi trộm xe máy để lấy tiền tiêu xài. Trước khi đi, Tài mang dao theo với mục đích cắt dây điện trong xe máy chứ không có động cơ chống trả khi bị phát hiện.

47163140_358671528274450_4643006191260139520_n

Các bị cáo tại tòa.

Trước đó, tại cơ quan điều tra, hai bị cáo ký tên vào biên bản thừa nhận mang theo dao để chống trả nếu có người phát hiện, vây bắt. Tài và Phú khai mình bị ép cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát khẳng định các buổi hỏi cung đều có luật sư bào chữa tham gia, hoàn toàn không có chuyện bức cung, nhục hình.

Nghe lời khai của các bị cáo, người nhà của các bị hại đồng loạt bật khóc nức nở.

Các “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng, Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy tham dự phiên tòa với tư cách là bị hại cũng là người làm chứng trong vụ án. Theo các “hiệp sĩ” ở Sài Gòn tiết lộ, họ từng đụng độ Tài “mụn”, đối tượng cực kỳ manh động, hung bạo trước khi sự cố xảy ra.

Luật sư Võ Đan Mạch bào chữa cho bị cáo Phú cho rằng bị cáo không trực tiếp dùng dao đâm 5 hiệp sĩ, Phú không thống nhất ý chí với Tài nên không có căn cứ cáo buộc Phú tội giết người, từ đó đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng bị cáo Nguyễn Tấn Tài và đồng phạm là những người trẻ có sức khỏe, có tiền án, tiền sự, sau khi ra tù không tu chí làm lại cuộc đời mà lại liên tục đi trộm cắp tài sản lấy tiền tiêu xài. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cương quyết thực hiện hành vi tới cùng, giết nhiều người, bỏ mặc hậu quả xảy ra, các bị cáo không thành khẩn khai báo.

 

111-15434663883111210286594-crop-15434665101651715709603

Bị cáo Tài lãnh án tử hình.

Bị cáo Phú mặc dù không trực tiếp đâm 5 hiệp sĩ nhưng Phú đã thống nhất ý chí với Tài khi đi trộm cắp tài sản, trước khi đi cả 2 bị cáo đã thống nhất mang dao theo để chống trả khi phát hiện, sau khi gây án thì cả 2 cùng bỏ trốn. Từ đó, HĐXX xác định cáo trạng truy tố bị cáo Phú tội giết người với vai trò đồng phạm giúp sức là đúng người, đúng tội.

Bị cáo Hùng và Như biết rõ Tài giết người không tố giác. Bị cáo Hùng có 2 tiền án nên cần xử lý nghiêm khắc, bị cáo Như đang nuôi con nhỏ nên không cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội.

Đối với những vụ trộm mà Tài và Phú thực hiện trước đó do không có thu hồi được cũng không xác định được bị hại nên không có căn cứ cáo buộc các bị cáo.

Về dân sự, Tòa tuyên buộc bị cáo Tài và Phú có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyên Bi (cha của nạn nhân Nguyễn Văn Thôi) 247 triệu đồng và cấp dưỡng nuôi con anh Thôi đến năm 18 tuổi; bồi thường cho ông Nguyễn Hiếu Hoàng (cha của nạn nhân Nguyễn Hoàng Nam) 100 triệu đồng và tổn thất tinh thần theo quy định. Riêng các bị hại Trần Văn Hoàng, Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy không yêu cầu bồi thường.

 

Sau khi bị tuyên tử hình, bị cáo Tài vẫn giữ gương mặt lạnh lùng, ngoảnh mặt nhìn về phía thân nhân các bị hại không chút tỏ ra hối hận.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm