Vẫn còn nhiều người chủ quan trong phòng dịch
Cựu giám đốc đi cướp ngân hàng BIDV bị tuyên án 23 năm tù / Khởi tố ông Nguyễn Đức Chung trong vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư
Vẫn còn nhiều người chủ quan trong phòng dịch
Theo UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền nhưng qua kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tại một số nơi trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một số người có tâm lý chủ quan, lơ là, cá biệt có những đối tượng cố tình vi phạm.
Cụ thể, tình trạng vi phạm diễn ra nhiều nhất là tại một số cơ sở như karaoke, quán bi-a, nhà hàng ăn, uống vẫn còn hoạt động chui; tại một số địa điểm công cộng đã xuất hiện tình trạng người dân tập trung đông người, chưa thực hiện nghiêm thông điệp "5K"; tình trạng chợ cóc, chợ tạm, trà đá vỉa hè vẫn hoạt động gây ảnh hưởng đến các biện pháp phòng, chống dịch chung của thành phố.
Điển hình như trong ngày 24/7/2021, ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16, các đơn vị Công an trên toàn Thành phố đã xử phạt hành chính 71 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền 110 triệu đồng; 04 cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động bị phạt 60 triệu đồng.
Trong ngày 25/7/2021, lực lượng chức năng của Công an Thành phố đã xử phạt hành chính 168 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng 385 triệu đồng; 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động 15 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị cũng xử phạt hơn 115 triệu đồng đối với 52 trường hợp có các hành vi vi phạm phòng, chống dịch khác như không thực hiện biện pháp cách ly; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách.... Trong những ngày tiếp theo của đợt giãn cách này, Công an Thành phố sẽ tích cực phối hợp tiếp tục tuyên truyền đồng thời tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), tính từ27/4/2021 đến nay, đơn vị này đã phát hiện, đề xuất chính quyền địa phương xử lý hơn 783 trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19, với tổng số tiền gần 1,2 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Công an quận Nam Từ Liêm đã cương quyết xử lý với nhiều trường hợp cố tình vi phạm như quán Karoke Let’s Sing (số 268, đường Nguyễn Hoàng, Phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) khi nhiều lần tái phạm, hoạt động chui. Hay tại cơ sở Bi-a Club (Số 10, ngõ 57, đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2)tụ tập tới 27 người hoạt động chui ngay giữa mùa dịch.
Theo lý giải của Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), mặc dù các đơn vị chức năng của đơn vị này đã phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhắc nhở, kiểm tra. Tuy nhiên vẫn còn một số đối tượng còn thiếu nhận thức, thậm chí là cố tình vi phạm đã bị công an quận này cương quyết đấu tranh xử lý.
Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình – Tạ Nam Chiến tính từ đợt dịch thứ 4 (từ 28/4/2021 đến nay), các cơ quan chức năng của quận Ba Đình đã xử phạt những người vi phạm công tác phòng chống dịch với số tiền hơn 674 triệu đồng, trong đó 317 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền là 536 triệu đồng; xử phạt 46 cơ sở dịch vụ ăn uống không thực hiện giãn cách phòng chống dịch với số tiền 138.000.000 đồng.
Lý giải về việc vẫn còn những trường hợp vi phạm, ông Chiến cho rằng, trong quá trình tuyên truyền, kiểm tra, xử lý lực lượng chức năng gặp không ít những khó khăn. Nhiều người dân còn thiếu ý thức, có nhiều người ở các nơi sinh hoạt trên địa bàn, các đối tượng cố tình vi phạm đối phó với lực lượng chức năng ngày càng tinh vi,…
UBND quận Ba Đình đã đang và sẽ tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp và phương án phòng chống dịch. Đặc biệt, chỉ đạo các đoàn kiểm tra quận và phường tăng cường kiểm tra hoạt động trên khắp các lĩnh vực, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: Không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, không đảm bảo giãn cách theo quy định...
UBND quận Ba Đình cũng đã thành lập Tổ kiểm tra cơ động của Ban chỉ đạo 197 quận Ba Đình. Tổ kiểm tra ngoài nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm về biển hiệu, biển quảng cáo; vi phạm tại các điểm trông giữ phương tiện; vi phạm về môi trường;…sẽ tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Hà Nội tận dụng “thời gian vàng” giãn cách để khống chế dịch
Để nâng cao hơn nữa công tác phòng chống dịch, từ 6h ngày24/7, Hà Nội giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16, trước đó là lập đường dây nóng tiếp nhận tin báo vi phạm quy định phòng chống dịch từ người dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, bằng những kênh tiếp nhận trên, người dân có thể phản ánh những sai phạm trong công tác phòng chống dịch; việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng, nguy cơ tiếp xúc các ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, thông tin không đúng sự thật.
Qua đó, giúp các cơ quan chức năng của TP kịp thời xử lý mọi tình huống trong thời gian ngắn nhất, giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho người dân.
"Ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh", ông Nguyễn Thanh Liêm cho hay.
Bí thư Thành ủy Hà Nội – Đinh Tiến Dũng cho rằng, Hà Nội áp dụng Chỉ thị số 16 lúc này là đòi hỏi tất yếu để phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ an toàn tính mạng người dân.
“Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thành phố phải tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian vàng 15 ngày thực hiện Chỉ thị để khống chế dịch, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này là vô cùng quan trọng. Mong rằng từng cá nhân hãy cố gắng có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng kêu gọi mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Đặc biệt, cần thực hiện khai báo y tế hằng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác…
Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác đặc biệt để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể từ thành phố xuống cơ sở xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là cấp bách hàng đầu. Đặc biệt, phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng "ngoài chặt, trong lỏng" bởi đây vẫn là hạn chế, nhất là cấp cơ sở.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu phải công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/7 để kịp thời giải quyết công việc trong mọi tình huống. Cụ thể hóa trách nhiệm giám sát địa bàn cho từng cá nhân đồng chí cấp ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ các cấp; cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố cũng như khuyến khích các kênh giám sát của nhân dân thông qua mạng xã hội của khu dân cư địa phương.
Yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo sát sao nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời, giá cả ổn định cho người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phải có phương án duy trì hoạt động ngay cả khi phát hiện có ca F0, bằng cách khoanh vùng cục bộ hoặc chuyển địa điểm, không đóng cửa…
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống y tế thành phố trong thực hiện Chỉ thị số 16, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Cán sự Song song với đó, cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị mọi điều kiện nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm vaccine đã phê duyệt ngay khi được Trung ương phân bổ.
Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố phải có phương án, kế hoạch cụ thể bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện cách ly triệt để một khu vực hoặc một đơn vị hành chính cấp xã, thậm chí cấp huyện khi có nhiều ca F0. Theo chức năng, nhiệm vụ, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phải xây dựng kịch bản cho tình huống này để có giải pháp tổ chức như cung cấp hàng hóa, thuốc men đến từng hộ gia đình; giúp người dân yên tâm thực hiện cách ly.
“Phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, nhưng đồng thời phải kiên trì thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đây chính là mục tiêu kép có tương quan chặt chẽ với nhau; bởi không khống chế được dịch, rất khó để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Ngược lại nếu vì khó khăn mà không xoay sở duy trì sản xuất thì về lâu dài sẽ thiếu nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch. Hơn lúc nào hết, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, ngành công thương Thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy”, Bí thư thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo