Pháp luật

Vụ án doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân: Có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự

DNVN - Khẳng định với Doanh nghiệp VN, đại diện của Ngân hàng NN&PTNTVN Chi nhánh TP. Cần Thơ (Agribank Cần Thơ) cho biết nếu cơ quan an ninh điều tra chấp nhận giải tỏa kê biên, xử lý tài sản thế chấp thì ngân hàng hoàn toàn có thể thu hồi gốc và lãi đối với các khoản vay liên quan đến doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân.

Vì sao đại án 304 tỉ đồng liên quan đến doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân bế tắc suốt 5 năm qua? / Điều kỳ lạ trong vụ án doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân: Bị hại khẳng định không bị thiệt hại, Cơ quan điều tra áp đặt là có?

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh, “đại án” 304 tỉ đồng liên quan đến doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân bế tắc suốt 5 năm qua, bên chịu thiệt hại (theo Cơ quan an ninh điều tra TP. Cần Thơ xác định) – Ngân hàng NN&PTNTVN và Agribank Cần Thơ lại liên tục khẳng định là “chưa có căn cứ xác định thiệt hại từ khoản vay trên”.

“Agribank đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng giải tỏa tài sản kê biên để xử lý tài sản bảo đảm theo quy định nhằm thu hồi khoản vay. Tuy nhiên, đến nay, các tài sản bảo đảm trên chưa được giải tỏa, Agribank chưa xử lý và thu hồi được khoản nợ”. (Công văn số 2344/NHNo-PC ngày 12/3/2021 của Agribank Việt Nam)

Agribank khẳng định không có sở xác định thiệt hại đối với các khoản vay liên quan đến doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân.

Agribank khẳng định không có sở xác định thiệt hại đối với các khoản vay liên quan đến doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân.

Theo ông Lê Đình Vỹ - Giám đốc Agribank Cần Thơ: “Agribank là ngân hàng thương mại 100% vốn sở hữu Nhà nước. Agribank Cần Thơ đã nhiều lần khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện việc giải tỏa kê biên tài sản thế chấp để tiến hành các biện pháp phát mãi tài sản nhằm thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng”.

Thực tế chứng kiến tài sản đảm bảo liên quan đến các khoản vay của doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã đang xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm bị phong tỏa, mới thấy những đề nghị của Agribank Cần Thơ là khẩn thiết để bảo toàn tài sản của Nhà nước và của xã hội.

Tuy nhiên, phía CA TP. Cần Thơ liên tục từ chối đề nghị giải tỏa tài sản thế chấp với lý do “việc giải tỏa kê biên các tài sản này sẽ ảnh hưởng đến quá trình xử lý vụ án và thi hành án sau này, do đó Cơ quan an ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ chưa thể giải tỏa kê biên được” (CV số 1076/CATP-PA09 ngày 28/7/2020 do Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc CA TP. Cần Thơ ký).

Siêu thị Citimart Cần Thơ - một trong những tài sản thế chấp xuống cấp sau nhiều năm bị phong tỏa.

Siêu thị Citimart Cần Thơ - một trong những tài sản cho khoản vay tại Agribank Cần Thơ.

Trong buổi làm việc với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam mới đây, đại diện của Agribank Cần Thơ tiếp tục khẳng định quan điểm của Ngân hàng NNVN là các Công ty TNHH MTV Nông Thủy sản Tây Nam, Công ty TNHH MTV Đồng Bằng Xanh, Công ty TNHH MTV TM-DV Nam Bộ Cửu Long, cá nhân vay vốn, thành viên góp viên góp vốn của công ty vẫn tồn tại.

“Do vậy, Agribank chưa có căn cứ xác định thiệt hại từ khoản vay trên”. Theo vị đại diện Agribank Cần Thơ: Nếu thực hiện giải tỏa kê biên, xử lý tài sản thế chấp thì ngân hàng hoàn toàn có thể thu hồi cả gốc và lãi đối với các khoản vay liên quan đến doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân.

Như vậy có thể thấy khi không có thiệt hại nào xảy ra tại Agribank Cần Thơ thì cũng chẳng có vụ án nào về “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Agribank Cần Thơ! Vụ án càng kéo dài, tài sản kê biên xuống cấp thì không chỉ thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, mà doanh nghiệp cũng thiệt hại do khoản vay sẽ tiếp tục phát sinh khoản tiền lãi vô lý".

Điều này cũng phù hợp với nhận định của LS Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ) – người bào chữa cho bị can Lê Thanh Hải (nguyên Giám đốc Agribank Cần Thơ). Theo LS Nguyễn Văn Đức: “Đối với giao dịch này căn cứ vào hậu quả xảy ra. Ví dụ tài sản thế chấp 10 đồng trong khi khoản vay, khoản lãi có 5 đồng thôi. Theo Nghị quyết 42, ngân hàng được bán tài sản ra, nó dư số tiền anh đã vay ngân hàng thì làm gì có giá trị thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Chỉ thị về điều chỉnh tất cả các quan hệ như thế này là trong quá trình xử lý, tiến hành tố tụng thì được quyền xử lý tài sản nhưng ở đây Ngân hàng NN&PTNTVN và Agribank Cần Thơ đã có nhiều văn bản đề nghị xử lý tài sản thế chấp nhưng cơ quan tố tụng không chấp nhận”.

Vụ án về “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Agribank Cần Thơ được Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ khởi tố ngày 24/12/2015. Nguyên do, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân là Giám đốc Công ty Tây Nam lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông thủy sản, đem nhiều tài sản thế chấp để vay của Agribank Cần Thơ 258 tỷ đồng. Ban đầu, Cơ quan an ninh điều tra xác định ông Nhân “kê khống” tài sản thế chấp gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 300 tỷ cả vốn và lãi; sau chuyển sang tội “lừa đảo” và cuối cùng là tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay bị xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm bị Cơ quan an ninh điều tra TP. Cần Thơ phong tỏa.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay bị xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm bị Cơ quan an ninh điều tra TP. Cần Thơ phong tỏa.

Bị khởi tố bị can còn có 2 doanh nhân khác và 3 quan chức ở Agribank Cần Thơ vì “tiếp tay” ông Nhân. TAND Cần Thơ đã 3 lần trả hồ sơ, yêu cầu định giá lại tài sản thế chấp để khẳng định gây thiệt hại hay không?. Lần cuối vào ngày 8/8/2018, vừa xét xử thì xuất hiện Kết luận thanh tra đất đai tại Cần Thơ của Thanh tra Chính phủ mà theo đó, giá trị đất thế chấp ở vụ án lớn hơn tiền vay ngân hàng. Sau khi tòa trả hồ sơ, vụ án đã tạm đình chỉ điều tra hai lần vì “định giá tài sản chưa có kết quả”.

Ngày 23/1/2021 phục hồi điều tra và ngày 19/2/2021, Cơ quan an ninh điều tra TP. Cần Thơ có Bản kết luận điều tra bổ sung. Theo đó, tính đến ngày 16/6/2016 là ngày bắt tạm giam ông Nhân, nợ gốc và lãi 682.971.867.989 đồng, giá trị tài sản thế chấp 379.287.992.603 đồng, Agribank Cần Thơ bị thiệt hại 303.683.875.386 đồng.(?!)

Mới đây, ngày 23/3/2021, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) VKSND tối cao đã có Công văn số 1077/VKSTC-V3 yêu cầu VKSND TP. Cần Thơ giải quyết, trả lời đơn khiếu nại của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân và báo cáo về nội dung và quá trình tiến hành tố tụng trong vụ án; căn cứ, lý do thay đổi Quyết định khởi tố bị can từ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 BLHS 1999. Đây có thể coi là một bước tiến mới trong việc xem xét lại toàn diện và đầy đủ các vấn đề liên quan đến vụ án, là cơ sở quan trọng để xác định có hay không việc hình sự hóa quan hệ dân sự!.


Viện KSND Tối cao yêu cầu báo cáo vụ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân.

Hoài Nam
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo