Điều kỳ lạ trong vụ án doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân: Bị hại khẳng định không bị thiệt hại, Cơ quan điều tra áp đặt là có?
Quảng Bình: Lợi dụng khu dịch vụ hậu cần nghề cá để hút cát trái phép / Mua súng trên mạng để bắn chết voọc chân xám quý hiếm
Agribank tiếp tục khẳng định không bị thiệt hại
Năm 2018, sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, TAND TP.Cần Thơ đưa vụ án “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng xảy ra tại Agribank Cần Thơ” ra xét xử. Nhưng, sau 7 ngày xét xử, tòa lại tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Một trong những yếu tố khiến TAND Cần Thơ phải tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung là đại diện của Agribank tham dự phiên tòa khẳng định Agribank không bị thiệt hại. Thậm chí, vị đại diện Ngân hàng này còn từ chối ngồi vào vị trí có biển đề Người bị hại.
Sau gần 4 năm, ngày 19/2/2021, Cơ quan điều tra đã có kết quả điều tra bổ sung vụ việc. Tuy nhiên, gần như cùng lúc này, phía bị hại - được cho rằng là Agribank – tiếp tục có công văn gửi Giám đốc Agribank Cần Thơ khẳng định chưa có thiệt hại trong vụ án này.Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã có Công văn số 2344/NHNo-PC gửi Giám đốc Agribank Cần Thơ về việc xác định thiệt hại trong vụ án Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam vay vốn tại Agribank Cần Thơ. Công văn trên cho biết: Khoản vay của Công ty TNHH MTV Nông Thủy sản Tây Nam, Công ty TNHH MTV Đồng Bằng Xanh, Công ty TNHH MTV TM-DV Nam Bộ Cửu Long và các cá nhân Nguyễn Bửu Tâm, Phan Duy Phương tại Agribank chi nhánh Agribank Cần Thơ liên quan đến “Vụ án vi phạm quy định cho vay” mà cơ qua tố tụng đã khởi tố cách nay 5 năm là các khoản vay có bảo đảm bằng tài sản.
Các tài sản đảm bảo này hiện đang được kê biên theo Lệnh Kê biên tài sản số 01/LKBTS ngày 27/07/2016, Lệnh Kê biên tài sản số 02/LKBTS ngày 27/07/2016, Lệnh Kê biên tài sản số 03/LKBTS, Lệnh Kê biên tài sản số 04/LKBTS, Lệnh Kê biên tài sản số 05/LKBTS cùng ngày 07/09/2016. Agribank đã nhiều lần gửi Văn bản đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng giải tỏa kê biên để xử lý tài sản bảo đảm theo quy định nhằm thu hồi khoản vay. Tuy nhiên, đến nay các tài sản bảo đảm trên chưa được giải tỏa, Agribank chưa xử lý và thu hồi được khoản nợ.
Agribank được biết Công ty TNHH MTV Nông Thủy sản Tây Nam, Công ty TNHH MTV Đồng Bằng Xanh, Công ty TNHH MTV TM-DV Nam Bộ Cửu Long, cá nhân vay vốn, thành viên góp vốn của Công ty vẫn tồn tại; do vậy, Agribank chưa có căn cứ xác định thiệt hại từ khoản vay trên.
Vụ án hình sự vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Agribank Cần Thơ.
Cơ quan điều tra khẳng định có?
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 16/06/2016 Công an TP. Cần Thơ đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (SN 1980, thường trú tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) để điều tra về hành vi “Làm khống hồ sơ để lừa đảo chiếm đoạt tiền ưu đãi lãi suất của Nhà nước” theo Điều 139, Bộ luật hình sự liên quan đến hoạt động cho vay của Ngân hàng Agribank chi nhánh Cần Thơ (gọi tắt là Agribank Cần Thơ).
Sau đó cơ quan điều tra liên tục chuyển hành vi của ông Nhân sang tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, rồi tiếp tục chuyển thành tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Ông Nhân đã bị Công an TP. Cần Thơ tiến hành tạm giam hơn 2 năm để điều tra (hiện đã được tại ngoại).
Ngày 19/2/2021 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra- Công an TP Cần Thơ vừa công bố bản Kết luận điều tra bổ sung số 25/KLĐTBS đối với vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Agribank – Chi nhánh Cần Thơ.”
Kết luận điều tra của Công an TP Cần Thơ xác định căn cứ vào ý kiến Hội đồng định giá đã thống nhất chấp thuận giá trị quyền sử dụng đất của khu đất số 12 Nguyễn Trãi (là tài sản thế chấp cho Agribank Cần Thơ để bảo đảm cho khoản tiền vay 150 tỷ liên quan đến nhóm công ty của các bị cáo) tại thời điểm tháng 3/2013 là 104.407.948.000 đồng do đơn vị tư vấn xác định.
Đối với tài sản là mảnh đất số 51 Nguyễn Trãi, kết quả trưng cầu giám định của Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Cần Thơ tại thời điểm tháng 12/2016 cũng chỉ xác định khối tài sản này trị giá 139 tỷ đồng. Trong khi tài sản này được Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân (tại thời điểm tháng 8/2014): 258 tỷ đồng; Công ty TNHH Thẩm định giá Độc Lập (tại thời điểm năm 2015): 225.138.471.000 đồng và mức giá được định bởi Agribank Cần Thơ (tại thời điểm thế cấp tháng 3/2013) là 231.714.000.000 đồng. Dựa trên các cơ sở này, Công an TP Cần Thơ cho rằng các bị can đã tự thoả thuận nâng khống giá trị các tài sản thế chấp gây thiệt hại cho ngân hàng Agribank Cần Thơ.
Theo quy định tại Điều 62 BLTTDS năm 2015 thì: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.Như vậy, căn cứ vào nội dung điều luật nêu trên thì khi xác định bị hại trong một vụ án hình sự phải căn cứ vào các đặc điểm sau: Thứ nhất, về chủ thể thì bị hại bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thứ hai, thiệt hại được xác định bao gồm: đối với cá nhân là thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản còn đối với cơ quan, tổ chức là thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Trong vụ án này, bị hại duy nhất là Agribank Cần Thơ, là nguyên nhân các cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử các bị cáo lại khẳng định mình không bị thiệt hại, không là bị hại. Vậy phiên tòa sắp tới sẽ phải diễn ra như thế nào hay lại như hai lần xét xử trước, phải dừng lại, trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân? Và sau đó, lại kéo dài đến bao lâu nữa trong khi đó, bị can khốn khổ vì mất quyền công dân, Công ty rơi vào khủng hoảng, dự án có lợi cho tỉnh Hậu Giang bỗng chốc bị đình trệ vô thời hạn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo