Vụ ly hôn vợ chồng chủ Trung Nguyên có nên xử kín?
Nhậu về lớn tiếng lúc nửa đêm, cha bị con trai đánh chết / Đắk Lắk: Học cách chế tạo mìn qua mạng, 4 người trọng thương
Xử kín để bảo vệ bí mật đời tư
Liên quan tới vụ án nghìn tỉ này, có nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra, trong đó có vấn đề làm thế nào để bảo vệ quyền hình ảnh, bí mật đời tư trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình...
Theo luật sư Trần Quốc Hưng (Đoàn luật sư TPHCM), quyền nhân thân, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (gọi chung là bí mật đời tư) là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
Hiện nay, việc ngăn chặn sự xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân thực sự khó khăn trong kỷ nguyên kỹ thuật số, khi mà thông tin trên các trang mạng như Facebook, Zalo, Viber... được lan truyền rất nhanh chỉ sau một cái nhấp chuột máy tính.
Nhiều người đã không hiểu, hiểu sai hoặc cố tình không hiểu quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện quan điểm cá nhân... vì vậy đã vô tình hay hữu ý làm lộ quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác, đã gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội.
Những người có thông tin cá nhân hoặc người thân của họ bị tiết lộ đôi khi gặp quá nhiều rắc rối, phiền phức trong cuộc sống, dẫn tới nhiều hệ lụy không thể lường trước được như tự tử, stress, bất lực, bỏ việc, ly hôn...
Trong nhiều trường hợp, để bảo vệ quyền hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, hội đồng xét xử (HĐXX) đã quyết định xử kín.
Có đủ yếu tố để xử kín
Còn theo ông Quách Hữu Thái (chánh án TAND quận 2, TPHCM), khoản 2, điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định tòa án xét xử công khai và trong trường hợp cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án có thể xử kín.
Như vậy, đối với các vụ án hôn nhân gia đình hay các vụ án dân sự nói chung, muốn xử kín thì bắt buộc đương sự phải có đơn yêu cầu.
Sau khi có đơn yêu cầu, HĐXX sẽ xem xét yêu cầu của họ có chính đáng hay không (có thuộc trường hợp giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình). Nếu đó là yêu cầu chính đáng, HĐXX quyết định xử kín.
Còn đối với những vụ việc mà đương sự không có yêu cầu xử kín thì tại phiên tòa đương sự vẫn có quyền yêu cầu hội đồng xét xử giới hạn những nội dung được đăng công khai hoặc không được phép đăng công khai.
Cần chú ý là tại điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh và điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, việc sử dụng hình ảnh, thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bắt buộc phải được sự đồng ý của người đó.
Theo ông Thái, trong trường hợp một bên đương sự yêu cầu xử kín, nhưng bên còn lại yêu cầu xử công khai thì HĐXX có thể xem xét xử kín.
"Với xu thế cải cách tư pháp như hiện nay và với việc quyền cá nhân ngày càng được đề cao thì cần thiết phải xử kín trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, việc xử kín đương sự phải yêu cầu, còn nếu không xử kín mà báo chí hay một người nào khác tham dự phiên tòa muốn đăng hình ảnh, thông tin, bắt buộc phải có sự đồng ý của họ trước khi đăng" - ông Thái nêu.
Liên quan tới vấn đề bảo mật thông tin các bên tham dự phiên tòa, luật sư Hoàng Hữu Nhân (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ) cho rằng trong vụ án này có đầy đủ yếu tố để HĐXX xử kín như các con chung đang còn nhỏ, nguyên đơn và bị đơn đều là những doanh nhân không chỉ nổi tiếng trong nước mà cả quốc tế, Trung Nguyên là một thương hiệu lớn việc xét xử công khai có thể làm lộ bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo thông tin minh bạch thì các luật sư bảo vệ cho ông Vũ vẫn đề nghị HĐXX xét xử công khai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo