Chứng khoán

Phạt 300 triệu đồng với trường hợp không chào bán chứng khoán công khai

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 108/2013 thay thế Nghị định 85/2010, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.


Nhiều “lỗ hổng” trong Nghị định 85 được khắc phục

Về chào bán chứng khoán: Nghị định bổ sung hành vi vi phạm cam kết đưa chứng khoán chào bán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được ĐHĐCĐ thông qua của tổ chức phát hành là công ty đại chúng để phù hợp với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước; quy định hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, chào bán chứng khoán tại nước ngoài, phát hành chứng khoán mới làm cơ sở chào bán chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài hoặc hỗ trợ phát hành chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu đã phát hành tại Việt Nam.

Về quản trị công ty đại chúng: Tại Nghị định quy định cụ thể các hành vi vi phạm về quản trị công ty đại chúng, đồng thời nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm về quản trị công ty. Tại Nghị định cũng quy định xử phạt đối với các cá nhân là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, người được uỷ quyền công bố thông tin của công ty đại chúng vi phạm quy định về quản trị công ty như: hành vi không tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về quản trị công ty theo quy định của pháp luật; vi phạm quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và giao dịch với các bên có quyền lợi liên quan đến công ty (phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng); vi phạm quy định về quyền của cổ đông; về bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; về triệu tập, tổ chức họp và thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát (phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng).

Về niêm yết chứng khoán: Nghị định bổ sung quy định xử phạt đối với đối tượng là tổ chức phát hành Việt Nam vi phạm các quy định về niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài: xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo về đăng ký niêm yết chứng khoán tại nước ngoài có thông tin sai lệch; không nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán tại nước ngoài hoặc thực hiện niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán nước ngoài khi chưa được UBCKNN chấp thuận...

Bên cạnh các biện pháp khắc phục hậu quả đã được quy định tại Nghị định 85 như: buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành và hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán; buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin…tại Nghị định đã bổ sung thêm một số biện pháp khắc phục hậu quả, gồm: buộc chào mua công khai theo phương án đã đăng ký; buộc mua tiếp số cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ đóng còn lại sau khi thực hiện chào mua công khai; buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm; buộc chuyển nhượng chứng khoán để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định; buộc thông qua Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi mục đích, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán; buộc lưu ký, quản lý tách biệt tài sản, vốn, chứng khoán; buộc giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Tại Điều 24 và Điều 26 Nghị định quy định: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán thực hiện hành vi lập, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện có thông tin sai sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng; hoạt động văn phòng đại diện sai mục đích hoặc hoạt động không đúng nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với người hành nghề chứng khoán thực hiện hành vi vi phạm: đồng thời làm việc cho tổ chức khác có quan hệ sở hữu với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nơi mình làm việc; đồng thời làm việc cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ khác; đồng thời mở tài khoản giao dịch chứng khoán ở công ty chứng khoán khác...

Chánh tranh tra có quyền xử phạt mức 100 triệu đồng

Nghị định đã nâng thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra và Chủ tịch UBCKNN tương ứng với quy định về mức phạt tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và phù hợp với quy định về thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra UBCKNN, Chủ tịch UBCKNN tại khoản 2 và khoản 4 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó tại Điều 37 Nghị định quy định, Chánh thanh tra UBCKNN có quyền phạt tiền không quá 100 triệu đồng đối với tổ chức, 50 triệu đồng đối với cá nhân và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định; Chủ tịch UBCKNN có quyền phạt tiền từ 1% đến 5% tổng số tiền đã huy động trái pháp luật đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán giả mạo; phạt tiền từ 01 đến 05 lần khoản thu trái pháp luật đối với hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng không đăng ký với UBCKNN và hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái pháp luật theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 121 Luật Chứng khoán, khoản 1 Điều 124 Luật Chứng khoán; phạt tiền đến mức tối đa 02 tỷ đồng đối với tổ chức, 01 tỷ đồng đối với cá nhân có các hành vi vi phạm khác được quy định tại Nghị định và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định.

Ngoài ra, để xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tính công bằng, minh bạch và hoạt động ổn định của TTCK, tại Nghị định đã nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm như: hành vi không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật (mức phạt từ 200 - 300 triệu đồng); hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ chứng khoán khi chưa được UBCKNN cấp giấy phép hoặc chấp thuận (mức phạt từ 200 - 300 triệu đồng); không xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng hoặc không quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng hoặc không quản lý tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán; trực tiếp nhận và chi trả tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng (mức phạt từ 150 - 200 triệu đồng); lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, hồ sơ niêm yết có thông tin sai sự thật hoặc che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng (mức phạt từ 300 - 400 triệu đồng); hành vi thao túng thị trường chứng khoán (mức phạt từ 01 - 1,2 tỷ đồng); hành vi tổ chức thị trường chứng khoán trái pháp luật (mức phạt từ 1,8 - 02 tỷ đồng)…

Bên cạnh đó, Nghị định quy định 3 hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trên thị trường gồm:

Đình chỉ có thời hạn hoạt động niêm yết chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán, chào mua công khai; hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; hoạt động chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, hoạt động văn phòng đại diện, hoạt động lưu ký chứng khoán.

Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo