Phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu: Thủy sản Minh Phú dùng làm gì?
Sắp sửa hủy niêm yết, Công ty CP Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú (mã: MPC) hiện ráo riết triển khai kế hoạch phát hành gấp 500 tỷ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong vòng 3 năm qua, hệ số vay nợ của Tập đoàn luôn duy trì ở mức 3,5 - 3,7 lần vốn chủ sở hữu, với dư nợ lên tới hơn 6.000 tỷ đồng.
Ngày 26/9, Tập đoàn Minh Phú mới công bố thông tin về đợt phát hành này sẽ được thực hiện ngay trong tháng 9/2014. Là một DN có tiếng và lợi nhuận khả quan trong ngành chế biến và XK thủy sản, nhưng Minh Phú đã quyết định hủy niêm yết tự nguyện. Và giờ, Tập đoàn lại gây tò mò khi sắp sửa huy động thêm 500 tỷ đồng từ bán trái phiếu để tăng vốn hoạt động.
Bán trái phiếu để trả nợ?
Cụ thể, Tập đoàn Minh Phú sẽ phát hành 500 TPDN (mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu), có kỳ hạn 3 năm, lãi suất năm đầu tiên là 9,65%/năm. Lãi suất các kỳ sau được tính theo lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng (Vietinbank, Vietcombank, BIDV, VIB) cộng biên độ 2,65%/năm.
Theo công bố của DN, đây là loại trái phiếu không chuyển đổi thành cổ phiếu, cũng không có tài sản bảo đảm và được chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư (NĐT). Kế hoạch phát hành lô TPDN này đã được ĐHCĐ thường niên 2014 thông qua hồi tháng 4 vừa qua. Nếu đợt phát hành thành công, Minh Phú sẽ huy động được số vốn 500 tỷ đồng để tăng quy mô vốn hoạt động của tập đoàn (vốn điều lệ là 700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thực có 1.584 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Tập đoàn Minh Phú không cho biết cụ thể việc phân bổ, sử dụng 500 tỷ đồng này như thế nào, phục vụ dự án hay khoản đầu tư nào thời gian tới? Hiện, chưa rõ số lượng và danh tính các NĐT đăng ký tham gia mua trái phiếu MPC lần này.
Được biết, kết quả kinh doanh trong 3 năm qua (2011 - 2013) có sự trồi sụt rất mạnh. Đơn cử, năm 2012, lợi nhuận bị giảm mạnh tới 95%, xuống còn 15,8 tỷ đồng, nhưng năm 2013 hồi phục tăng lên 293,8 tỷ đồng.
BCTC quý II/2014 cho biết doanh thu 6 tháng qua của Tập đoàn đạt 6.307 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 509 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm 2013, lãi sau thuế còn 463 tỷ đồng. Nhờ đó, mức lãi trên cổ phiếu cũng tăng lên 5.309 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù kết quả kinh doanh của Tập đoàn đang tiến triển tốt, lợi nhuận cao nhưng tình hình vay nợ của Minh Phú lại gia tăng mạnh. Trong 2011 - 2013, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu thực luôn duy trì ở mức khá cao, lần lượt là 3,06 lần, 3,73 lần và 3,55 lần (vốn CSH thực có: 1.584 tỷ đồng). DN này chủ yếu vay nợ ngắn hạn, với tổng nợ vay tính đến hết tháng 6/2014 là hơn 6.535 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho biết, Tập đoàn đang chịu áp lực trả số nợ gốc vay trong năm 2014 là 8.034 tỷ đồng, gấp đôi con số của năm 2013. Do đó, số nợ vay hàng nghìn tỷ đồng đã và đang tạo áp lực lớn cho Minh Phú trong việc gia tăng doanh thu, lợi nhuận và nỗ lực tìm kiếm các nguồn trả nợ khác.
Gánh nặng nợ
Với đặc thù lĩnh vực chế biến, XK thủy hải sản và có nguồn thu ngoại tệ lớn nên các DN như Tập đoàn Minh Phú luôn nằm trong diện ưu tiên cấp tín dụng của nhiều ngân hàng. Trong cơ cấu nguồn vốn, Tập đoàn Minh Phú không có vay nợ dài hạn, mà hầu hết là nợ vay ngắn hạn hơn 6.535 tỷ đồng, bao gồm: 5.652 tỷ đồng vay nợ ngân hàng, khoản phải trả người bán hơn 383 tỷ đồng, các chi phí phải trả 136 tỷ đồng cùng các khoản thuế và chi trả cho người lao động hơn 130 tỷ đồng… Do nhu cầu chủ yếu là vay vốn lưu động (ngắn hạn) nên thời gian quay vòng vốn, trả nợ rất gấp gáp.
Hiện, Tập đoàn đã nợ vay rất lớn từ 5 chi nhánh ngân hàng tại Cà Mau. Cụ thể, dư nợ tại chi nhánh Vietinbank 4.421 tỷ đồng, BIDV là 636 tỷ đồng, nợ Ngân hàng Quốc tế (VIB) là 135 tỷ đồng, nợ Vietcombank 437 tỷ đồng, nợ HSBC 21,8 tỷ đồng. Toàn bộ số nợ vay này đều nhằm bổ sung vốn lưu động, được đảm bảo bằng hàng tồn kho hình thành từ vốn vay, quyền sử dụng đất và tài sản, máy móc thiết bị, các khoản phải thu hình thành từ vốn vay…
Theo BCTC, giá trị hàng tồn kho của Minh Phú đã tăng gấp đôi, từ 2.491 tỷ đồng (cuối 2013) lên tới 4.768 tỷ đồng (30/6/2014). Theo lý giải của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn, do thời điểm nguồn cung thị trường dồi dào, giá giảm nên Tập đoàn đang tập trung sản xuất thành phẩm để chuẩn bị đáp ứng cho nhu cầu XK tăng mạnh từ quý III, nên hàng tồn kho thành phẩm cao. Dự kiến, lượng hàng tồn kho cuối năm sẽ giảm dưới 5.000 tấn.
Nếu đợt phát hành trái phiếu thành công, Tập đoàn Minh Phú sẽ có ngay 500 tỷ đồng để phục vụ sản xuất dịp cuối năm, trang trải nợ nần. Thực tế, đã có nhiều DN dùng tiền trái phiếu, cổ phiếu để trả nợ ngân hàng, thay vì sử dụng vốn đúng mục đích ban đầu là tăng vốn, đầu tư dự án. Việc sử dụng vốn sai mục đích, nhất là rủi ro DN làm ăn không thuận lợi thì khó có thể đảm bảo khả năng trả nợ trái phiếu khi đến hạn.
Thời báo Kinh doanh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Cột tin quảng cáo