Thị trường

Phát hành TPCP năm 2015 có thể hụt thu 90.000 tỷ đồng?

(DNVN) - Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia nhận định, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2015 khó khả thi nếu không có điều chỉnh thích hợp về kỳ hạn.

Trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế 10 tháng đầu năm vừa được công bố, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) cho biết, 9 tháng đầu năm 2015, tổng khối lượng phát hành TPCP đạt 127.473 tỷ đồng bằng 51% kế hoạch năm với tỷ lệ trúng thầu/ gọi thầu ở mức 53,8%. Lãi suất phát hành tăng nhẹ ở kỳ hạn 5 và 10 năm lên mức tương ứng là 6,65% và 7%, lãi suất kỳ hạn 15 năm giữ nguyên ở mức 7,65%. 

Ảnh minh họa.

Theo ước tính, nếu không được phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP và điều chỉnh cơ chế lãi suất thích hợp thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỷ đồng, hụt 90.000 tỷ so với kế hoạch và số huy động không đủ để thanh toán khối lượng gốc và lãi TPCP đến hạn.

Cũng theo đánh giá của UBGSTCQG, tính đến thời điểm này, số đo khả năng sinh lời của các NHTM trong năm nay đều giảm so với 2 năm trước. Theo đó, tính đến tháng 10/2015, hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của khối NHTM ước đạt mức 4,16%, tiếp tục đà đi xuống sau khi giảm từ 6,4% năm 2013 xuống 4,6% năm 2014. Hệ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) cũng giảm xuống mức 0,32% từ mức 0,6% của năm 2013 và 0,36% trong năm 2014.

UBGSTC cho rằng mức sinh lời giảm do các NHTM phải tăng trích lập dự phòng rủi ro trong năm nay, mặc dù tín dụng của hệ thống đạt mức tăng trưởng khá và tỷ lệ lãi cận biên (NIM) tăng nhẹ.

UBGSTCQG cho biết, tính đến tháng 10, hệ số NIM đứng ở mức 2,8%, tăng nhẹ so với mức 2,7% của năm 2014 và bằng con số của năm 2013.
Đánh giá về hệ thống ngân hàng, UBGSTC cũng cho rằng khu vực này hoạt động ổn định, thanh khoản tốt đối với cả đồng nội và ngoại tệ. Tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%. Với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%. Điều này cho thấy thanh khoản nằm trong giới hạn an toàn.

Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn chuyển dịch theo hướng tích cực với sự gia tăng tỷ trọng các khoản vay ngắn hạn. Số liệu của UBGSTC cho thấy tỷ trọng dư nợ các khoản vay ngắn hạn/tổng dư nợ đã giảm dần từ mức hơn 50% trong các năm 2011, 2012 và 2013 xuống mức 49,74% vào cuối năm 2014 và còn 45,62% trong tháng 8/2015.

 

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo