Phát hiện nhiều loại tân dược giả được sản xuất rất tinh vi
Mới đây, lực lượng Chống buôn lậu & buôn bán hàng cấm (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế & Chức vụ, Công an Thành phố Hà Nội) phối hợp cùng đội Quản lý thị trường số 3 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra các cửa hàng kinh doanh tân dược lớn tại quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (Hà Nội).
Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng trăm hộp thuốc tân dược giả. Các hiệu thuốc bị kiểm tra, gồm 2 cửa hiệu trên phố Trần Hưng Đạo (gần bệnh viện 108); 1 cửa hiệu ở phố Phủ Doãn, 1 cửa hiệu trên đường Hai Bà Trưng và 1 cửa hiệu ở phố Phạm Ngọc Thạch.
Được biết, trong tổng số thuốc nghi bị làm giả có 3 hộp chữa đại tràng và 44 hộp điều trị bệnh phong tê thấp. Đáng chú ý, tại các cửa hiệu y tế này, lực lượng chức năng thu giữ cả sản phẩm thật bán cùng thuốc nghi bị làm giả. Theo các cơ quan chức năng điều tra, họ đang nghi ngờ sự tiếp tay của các cửa hiệu tân dược đối với số thuốc nghi vấn trên.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ra nhiều loại tân dược giả được sản xuất với kỹ thuật tinh vi. Các sản phẩm này giống thuốc thật từ mẫu đến vỏ hộp, tem chống giả...
Trên thực tế, mặc dù đã xử lý nhưng tình trạng trên xuất hiện ngày một nhiều khiến nhiều người dân hoang mang. Bên cạnh đó, một trong những loại thuốc thông dụng như viên nang Ampicilin 500mg cũng bị làm giả.
Khi các cơ quan chức năng lấy mẫu thử nghiệm, loại thuốc này không có phản ứng định tính của Ampicilin. Ngay sau đó, 49 vỉ thuốc giả đã bị tịch thu. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu bán trót lọt số lượng thuốc trên ra thị trường thì hậu quả sẽ không lường.
Tại Hà Nội, nhiều loại thuốc giả “made in China” cũng được bày bán tràn lan trong các hiệu thuốc. Thuốc viên Artesunate (chữa bệnh sốt rét) được in bằng chữ Trung Quốc trên nhãn mác mặc dù chưa được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu nhưng đã lưu hành tại Việt Nam.
Trao đổi với Người đưa tin, giám đốc một công ty dược tại Quận Hoàng Mai, Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho biết, tình trạng bán thuốc tân dược giả tại Hà Nội chỉ tập trung ở các hiệu thuốc nhỏ lẻ. Điều đặc biệt là khi đặt hai viên thuốc thật - giả cạnh nhau, một người bình thường không thể nào phát hiện ra được.
Để hạn chế tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần có những cuộc kiểm tra đột xuất tại các đại lý, các hiệu thuốc nhỏ. Bởi vì việc kiểm tra định kỳ hay báo trước sẽ là điều kiện để các cơ sở tẩu tán tang vật.
Bên cạnh đó, một vấn đề cần được chấn chỉnh nữa là thói quen mua bán thuốc không có hoá đơn, chứng từ của người dân. Việc làm này vừa họ bị móc túi vừa tạo điều kiện cho thuốc giả hoành hành.
Tân dược giả nhập về từ Trung Quốc
Trao đổi với Người đưa tin, PGS. TS Trịnh Văn Quỳ, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết: “Phần lớn tân dược và thuốc Đông y được nhập tiểu ngạch qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Đối với các loại dược liệu giả, chỉ các bác sĩ có kinh nghiệm mới phát hiện còn người dân rất khó có thể phân biện được bằng mắt thường”.
Theo PGS.TS Quỳ, trong những năm gần đây, trong hơn 30.000 mẫu thuốc được kiểm tra, có hơn 1.000 mẫu thuốc giả, kém chất lượng, nhiễm khuẩn, không đủ độ hòa tan và định lượng. Trong vấn đề này, các cơ sở bán thuốc chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Bởi vì, cứ cho là họ không cố tình bán thuốc giả thì cũng phải chịu trách nhiệm khi không kiểm tra kỹ các loại thuốc trước khi nhập về.
65 loại thuốc nội tăng giá Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam, 4/2012 trong số gần 12.700 lượt mặt hàng thuốc nội thì có 65 loại tăng giá. Đáng chú ý có những loại tăng đến hơn 40% như thuốc tim mạch Trafedin, nhỏ mắt Osla, thuốc bổ, cung cấp khoáng chất và vitamin như Nebamin... Trước đó, đợt khảo sát 2 tháng đầu năm thì chỉ có 23 loại thuốc nội tăng giá và tỷ lệ tăng trung bình cũng chưa đến 10%. Trong đó, giá cũng chỉ tăng rất nhẹ, 2.000-3.000 đồng và chỉ có 2 loại thuốc tăng trên 10.000 đồng. |
Theo Người đưa tin
End of content
Không có tin nào tiếp theo