Tin tức - Sự kiện

Phát huy sức mạnh nhân dân để bảo vệ quyền lợi nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

 Ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị, được giới thiệu tiếp tục làm chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN - Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái) thăm cựu binh Phạm Đức Hạnh (Nam Định) bị nhiễm chất độc da cam - Ảnh: Hoàng Long

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ VIII sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27-9 tại thủ đô Hà Nội. Nhân dịp này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã dành thời gian trả lời phỏng vấn riêng báo Tuổi Trẻ về những quy định mới trong Hiến pháp liên quan đến vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận.

* Thưa ông, điều 9 Hiến pháp 2013 khẳng định MTTQ VN “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội…”. Như vậy, so với quy định của Hiến pháp 1992 là Mặt trận “tuyên truyền, vận động nhân dân” thì Hiến pháp mới bổ sung thêm nhiệm vụ “giám sát, phản biện xã hội”. Cá nhân ông suy nghĩ gì về chức năng, nhiệm vụ mới này?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Hiến pháp nước ta qua mỗi lần sửa đổi, điều chỉnh đã thể hiện sự vận động, phát triển liên tục của thực tiễn đất nước cũng như khái quát lý luận về kinh nghiệm quản lý đất nước. Bên cạnh việc khẳng định vai trò của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thì việc xác định vai trò các tổ chức của nhân dân trong Hiến pháp có ý nghĩa rất đặc biệt, điều này thể hiện đặc thù của chế độ ta là nhân dân có vai trò quan trọng trong tham gia quản lý đất nước như Hiến pháp đã khẳng định: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập năm 1930 và trên thực tế 84 năm qua Mặt trận đã thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân chứ đây không phải là vấn đề hoàn toàn mới. Việc đưa nhiệm vụ thực tiễn của Mặt trận vào trong Hiến pháp 2013 có ý nghĩa to lớn, khẳng định về mặt lý luận, chính trị và vị trí của Mặt trận. Đây là một trách nhiệm chính trị cao cả đồng thời cũng là vinh dự to lớn đối với Mặt trận. Chúng tôi nhận thức rằng phải tổ chức thực hiện tốt và có hiệu quả để xứng đáng với vinh dự ấy!

Điều 9 Hiến pháp 2013 có quy định thêm một nội dung mới là Mặt trận thực hiện “giám sát, phản biện xã hội”. Thông thường, để triển khai thực hiện các qui định trong Hiến pháp thì cần có các văn bản hướng dẫn thi hành, tức là Quốc hội phải ban hành luật hoặc pháp lệnh hay Chính phủ phải ban hành Nghị định về giám sát, phản biện xã hội. Vấn đề đặt ra là  nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng với xã hội, với Nhà nước và nhân dân như vậy thì chúng ta có đợi đến khi có luật hoặc pháp lệnh thì mới thực hiện hay không? Qua bàn bạc chúng tôi thấy rằng cùng với Hiến pháp 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về việc ban hành Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Như vậy, chúng ta đã có Hiến pháp 2013 thể hiện “lòng dân”, Quyết định 217 thể hiện “ý Đảng”. Đây là 2 tiền đề quan trọng cho phép Mặt trận tổ chức triển khai thực hiện chức năng “giám sát, phản biện xã hội” trong giai đoạn mới mà không cần đợi đến khi có luật hay pháp lệnh hướng dẫn thi hành Hiến pháp.

Thưa ông, từ khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, Mặt trận đã tổ chức thực hiện công tác giám sát như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Vừa qua, công tác giám sát chủ yếu được Mặt trận thực hiện theo các vụ việc có tính thời sự, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, còn giám sát có tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm thì chưa làm được. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua Mặt trận thực hiện giám sát ở cơ sở chủ yếu thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cấp phường, xã. Do đó, để thực hiện có hiệu quả Hiến pháp 2013, hiện nay Mặt trận đang chuyển trọng tâm sang giám sát có tính hệ thống, có tầm nhìn dài hơn, sâu rộng hơn, qua đó đảm bảo tốt hơn vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân cũng như tham gia xây dựng Đảng, chính quyền toàn diện hơn.

Câu hỏi đặt ra là bây giờ làm thế nào? Giám sát là đi thực tiễn, kiểm tra, đánh giá xem hoạt động của cơ quan chính quyền các cấp, của các doanh nghiệp, bệnh viện, trường học,... có phù hợp với pháp luật không. Tuy nhiên chưa có qui định nào cho phép Mặt trận yêu cầu đối tượng được giám sát phải báo cáo với Mặt trận và cho phép Mặt trận đưa ra các biện pháp chế tài. Qua nghiên cứu Hiến pháp, chúng tôi đã tìm ra hướng đi để triển khai thực hiện chức năng giám sát xã hội. Khoản 8, Điều 96 về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ quy định: Chính phủ “phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”. Dựa vào quy định này, Mặt trận đã báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Chính phủ để triển khai 5 hoạt động giám sát quy mô lớn.

Thứ nhất là giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công. Đây là chính sách được Nhân dân rất quan tâm, nhưng để khẳng định rằng chúng ta thực hiện đúng hết chưa thì chưa khẳng định được, bởi qua khảo sát thì thấy không phải tất cả người có công đều đang được hưởng chính sách, và có những người hiện đang hưởng chính sách thì lại không đúng đối tượng. Trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014) và tiến tới kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước vào năm 2015, nhân dân có mong muốn và đòi hỏi công bằng trong việc thực hiện chính sách và Chính phủ cũng có mong muốn đánh giá lại toàn bộ công tác này xem mặt nào làm tốt, mặt nào chưa tốt. Từ năm 1954 đến nay chưa bao giờ nước ta tiến hành tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công, có thể là do khối lượng công việc thì lớn mà lực lượng cán bộ chuyên trách thì mỏng. Do đó, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động lực lượng của 6 đoàn thể (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội triển khai giám sát trong hai năm 2014 và 2015. Nhờ vào lực lượng hùng hậu này, công tác rà soát, giám sát đã được tiến hành đến từng hộ gia đình có liên quan.

Thứ hai là, xuất phát từ thực tế các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động, trong khi đó thanh tra Bảo hiểm xã hội lại không được áp dụng các biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ LĐTBXH, Thanh tra Chính phủ và Bảo hiểm xã hội VN đã ký chương trình phối hợp giám sát việc chấp hành luật pháp về bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp. Cuộc giám sát này sẽ được chúng tôi tiến hành nhiều năm, Tổng liên đoàn lao động VN sẽ là “binh đoàn” chủ lực của Mặt trận tham gia chương trình giám sát này.

Chương trình giám sát thứ ba được tiến hành nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân cũng xuất phát từ tình trạng nhiều năm qua có rất nhiều hộ nông dân chịu tổn thất khi mua phải giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật,… không đảm bảo chất lượng, thậm chí là mua phải hàng giả. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có đội ngũ thanh tra khoảng 800 người ở các cấp, trong khi đó tổng số cơ sở bán vật tư nông nghiệp là khoảng 70 nghìn nên để phát hiện được và chế tài các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sai phạm thì rất khó khăn. Nhưng nếu dựa vào nhân dân, đặc biệt là nông dân và Hội Nông dân, thì hoàn toàn có thể phát hiện ra những cơ sở bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong số 70 nghìn cơ sở kinh doanh này. Phát huy sức mạnh của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam (thành viên MTTQ Việt Nam là “đội quân chủ lực” thực hiện giám sát), Bộ NNPTNT và Bộ Công thương (chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn) đã ký chương trình phối hợp triển khai giám sát lĩnh vực này cho giai đoạn 2014-2020.  

Thứ tư là, trong bối cảnh nhân dân bức xúc về chất lượng và giá dịch vụ khám chữa bệnh tại một số cơ sở y tế tư nhân, trong khi ngành y tế chỉ có khoảng 150 cán bộ thanh tra thì không thể đảm đương nổi việc thanh tra, giám sát hoạt động của khoảng 30 nghìn cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và khoảng 39 nghìn nhà thuốc tư nhân. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký chương trình phối hợp với Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Tổng Hội Y học Việt Nam và Hội Dược học Việt Nam để giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân.

Thứ năm là Mặt trận sẽ cùng với Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN giám sát việc thực hiện Luật Khoa học công nghệ và Nghị quyết trung ương 6 về khoa học công nghệ (sẽ ký chương trình phối hợp trong quý 4/2014).

Ngoài ra, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại và tố cáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Hội Luật gia và Liên đoàn luật sư Việt Nam (thành viên của MTTQ Việt Nam) sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp xây dựng Chương trình phối hợp nâng cao hiệu quả và giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Chúng tôi sẽ hình thành cơ chế để các chuyên gia pháp luật của Hội Luật gia và Liên đoàn luật sư Việt Nam (mà chúng tôi gọi vui là “Luật sư, luật gia Mặt trận”) tham gia trợ giúp pháp lý cho người dân trong cả 3 khâu trước, trong và sau khi khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, Mặt trận cũng sẽ phối hợp cùng với Bộ Nội vụ triển khai đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Bài học rút ra là khi chuyển sang thể chế kinh tế thị trường, khi người dân tham gia mạnh mẽ vào thị trường, cung cấp hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các lĩnh vực, với số lượng doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước, thì bộ máy công chức chuyên trách của Nhà nước không thể đủ sức kiểm tra, giám sát hết được các lĩnh vực. Một giải pháp khả thi là phải phát huy vai trò giám sát của Nhân dân thông qua các tổ chức, đoàn thể của mình. Hoạt động của Mặt trận là sự bổ sung cho Nhà nước để giám sát trên quy mô rộng, thường xuyên mà không làm tăng biên chế nhà nước. Giám sát không chỉ để tìm ra những yếu kém mà còn nhằm khẳng định và phát huy cả những mặt được. Giám sát phải đi đôi với chế tài. Giám sát của Mặt trận phải phát huy đội ngũ chuyên gia và phải dựa vào lực lượng của nhân dân.

Quốc hội cũng có vai trò đại diện cho Nhân dân và thực hiện quyền giám sát, vậy giữa giám sát của Quốc hội và giám sát của Mặt trận có gì khác nhau, làm sao để khỏi dẫm chân lên nhau?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Hoạt động giám sát của Quốc hội là giám sát của cơ quan lập pháp, hoạt động này đã được luật quy định cụ thể quyền hạn, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục, chế tài. Còn giám sát của Mặt trận là giám sát xã hội xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Có thể sẽ có một số vấn đề cả Quốc hội và Mặt trận quan tâm giám sát và Mặt trận cũng tham gia vào các đoàn giám sát của Quốc hội. Nhưng từ góc độ của Mặt trận qua tiếp thu ý kiến của người dân hàng quý, hàng tháng, khi chúng tôi quyết định giám sát vấn đề gì cũng sẽ thông tin cho Quốc hội biết để nếu cần thiết thì cùng phối hợp, tăng hiệu quả giám sát và tránh trùng lắp. Tôi muốn nhấn mạnh rằng giám sát của Mặt trận là giám sát của Nhân dân, dùng sức mạnh của Nhân dân thông qua các tổ chức chính trị xã hội và Mặt trận để giám sát. Tuy Mặt trận không thể chế tài nhưng sẽ phối hợp với các cơ quan Nhà nước để có chế tài.

Thưa ông, còn vai trò phản biện xã hội thì sao? Xin ông cho biết quan điểm của mình về vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận và tới đây Mặt trận sẽ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào? 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Tôi nghĩ cho đến bây giờ khái niệm phản biện đã được thống nhất, phản biện là có ý kiến, góp ý qua đó khẳng định những mặt đúng, mặt hợp lý cũng như chỉ ra những mặt chưa hợp lý của các dự thảo về đường lối, chính sách, pháp luật. Như vậy, mục đích là chỉ ra cái đúng để cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách yên tâm là những điều mình sắp ban hành hợp lòng dân rồi; còn những gì chưa hợp lý, chưa được đồng tình thì cũng phải được phản ánh ngay, cùng với đó là đề xuất sáng kiến, giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Lâu này thì cách làm vẫn là các cơ quan sẽ gửi dự thảo văn bản cho Mặt trận để Mặt trận tổ chức các hội nghị, lấy kiến kiến tổ chức, đoàn thể, nhân dân. Với những vấn đề quan trọng, cần thiết thì Mặt trận cũng có thể tổ chức các nghiên cứu độc lập để tham gia phản biện. Mong muốn của chúng tôi là tới đây sẽ có sự tham gia của đông đảo các nhà chuyên môn, nhà khoa học, đội ngũ trí thức để phản biện sâu sắc, có cơ sở vững chắc, thuyết phục và cũng để tham gia phản biện được nhiều hơn nữa.

Thời gian qua dư luận chú ý đến các “hội nghị bàn tròn” được Mặt trận tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhân sỹ, trí thức, lão thành cách mạng… Được biết, sau các hội nghị này, bản tổng hợp ý kiến của Mặt trận gửi lên lãng đạo Đảng, Nhà nước thường được đóng dấu “mật” nên có nhiều ý kiến băn khoăn tại sao không công khai ?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Có lẽ bạn nêu chuyện xảy ra khi tôi chưa về nhận công tác tại Mặt trận. Nhưng tôi nghĩ đó là sự thận trọng thôi, chứ không phải muốn giấu đâu. Bởi đã lấy ý kiến của dân thì phải tiếp thu để chuyển tải tới các cơ quan Đảng và chính quyền. Nhưng khi tiến hành mỗi cuộc họp để đánh giá xem thực trạng sản xuất thế nào, dư luận thế nào, lòng tin thế nào, mâu thuẫn thế nào… thì có thể các ý kiến trong cuộc họp khác nhau. Có thể ngay lúc đó Mặt trận chưa có đủ cơ sở để khẳng định được các ý kiến đó có đại diện cho đa số không hay chỉ là ý kiến cá nhân thiểu số nhưng nếu diễn đạt không khéo dễ gây hiểu nhầm thành ý kiến của đa số. Trong khi tất cả các ý kiến đều được tổng hợp để gửi, vì vậy cần có sự thận trọng. Tới đây, Mặt trận sẽ nghiên cứu thành lập một bộ phận nắm bắt thông tin dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo của Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ VN để tập hợp, nghiên cứu, đánh giá các vấn đề một cách định lượng, lúc đó các thông tin, báo cáo sẽ khách quan hơn.

Có một băn khoăn rất lớn được nhiều người làm công tác Mặt trận và tham gia Mặt trận than phiền, đó là tiếng nói của Mặt trận thường có trọng lượng thấp, thậm chí có người cho rằng Mặt trận nói không ai nghe… Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Cá nhân tôi cũng từng nghe những ý kiến như vậy và chúng tôi đang cố gắng cải thiện tình trạng này. Trước hết là ở các lĩnh vực giám sát đã ký chương trình phối hợp mà tôi đã đề cập ở trên, khi có kết quả giám sát sẽ chuyển sang các cơ quan chính quyền xử lý rồi thông báo cho Mặt trận biết kết quả xử lý đó. Hơn nữa, hiện nay cứ ba tháng một lần chúng tôi tập hợp ý kiến nhân dân và gửi báo cáo bằng văn bản đến Chính phủ, Quốc hội và Văn phòng trung ương Đảng. Vừa qua, một số vấn đề chúng tôi báo cáo đã được Thủ tướng kết luận và có chỉ đạo thực hiện ngay như triển khai giám sát tình trạng khai thác cát trên các sông bất hợp pháp, gây hậu quả nghiêm trọng. Hoặc trên cơ sở các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 7, Quốc Hội khóa XIII vừa qua, 9 Bộ trưởng, trưởng ngành đã có văn bản trả lời gửi MTTQ VN để thông báo đến người dân.

Có ý kiến cho rằng vừa qua Mặt trận triển khai được nhiều chương trình giám sát thuận lợi như vậy là nhờ vào uy tín của Chủ tịch Mặt trận bởi ông là Ủy viên Bộ Chính trị, từng giữ cương vị Phó thủ tướng Chính phủ, còn ở các cấp Mặt trận thì trước đây không ít Chủ tịch Mặt trận không được tham gia cấp ủy nên vị thế của Mặt trận ở nơi đó không cao. Từ trải nghiệm công việc của cá nhân mình, ông suy nghĩ gì về điều này?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Thực ra việc tôi được phân công công tác Mặt trận và được Ủy ban trung ương MTTQ VN hiệp thương cử làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận trước hết xuất phát từ chủ trương của Đảng cử một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị sang làm Chủ tịch Mặt trận. Việc cử Ủy viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch Mặt trận thể hiện sự quan tâm của Đảng với công tác Mặt trận và nâng cao vị thế của công tác Mặt trận và đặc biệt là tạo ra mối liên thông, liên hệ mật thiết giữa Đảng và Mặt trận, giữa lòng dân và sự lãnh đạo của Đảng vì Bộ Chính trị họp thường xuyên, chúng tôi tham gia ở đó thì nắm bắt được thông tin thường xuyên, nếu có vấn đề gì cần trao đổi giữa Mặt trận với lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước thì chúng tôi thực hiện được ngay. Nếu không phải cá nhân tôi mà Ủy viên Bộ Chính trị khác được cử làm công tác Mặt trận thì tôi tin chắc chắn rằng đồng chí ấy cũng sẽ làm rất tốt công tác Mặt trận.

Vừa qua Ban Bí thư cũng đã có chỉ đạo là phải qui định để Chủ tịch Mặt trận thì phải cơ cấu vào Thường vụ. Đến nay ở cấp tỉnh và cấp huyện 100% Chủ tịch Mặt trận tham gia cấp ủy, tỷ lệ vào Thường vụ là 55% và 58%. Tôi nghĩ rằng sở dĩ vừa qua Mặt trận có triển khai được thêm một số công việc là do chúng tôi phát huy cơ chế về mối quan hệ giữa Mặt trận và Chính phủ mà Hiến pháp đã quy định tại Điều 96 như đã nêu trên và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Nói nôm na thì khi phát huy cơ chế mà vấn đề được chọn hợp lòng dân thì làm được, còn không hợp lòng dân thì không làm được.

 * Ông Nguyễn Thiện Nhân được giới thiệu tiếp tục làm chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN

Ngày 24-9, Hội nghị Đoàn Chủ tịch và Ủy ban trung ương MTTQ VN được tổ chức tại Hà Nội để thông qua dự kiến nhân sự và góp ý vào dự thảo Lời kêu gọi của đại hội. Hôm nay (25-9), đại hội sẽ tiến hành phiên họp trù bị. Sáng mai, đại hội chính thức họp phiên khai mạc.  

Đoàn Chủ tịch và Ủy ban trung ương MTTQ VN khóa VII nhất trí với dự kiến nhân sự trình đại hội. Theo đó, các ông Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Trọng Kim được giới thiệu để hiệp thương tiếp tục giữ các vị trí hiện tại. Bộ Chính trị cũng đã có các văn bản chính thức đồng ý giới thiệu ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Vũ Trọng Kim. Các phó chủ tịch chuyên trách Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Văn Pha, Bùi Thị Thanh, Lê Bá Trình cũng được giới thiệu tiếp tục đảm nhiệm vị trí cũ. 

Một điểm khá đặc biệt ở đại hội Mặt trận lần này là sẽ ra Lời kêu gọi tới đồng bào trong nước và nước ngoài. 

Đại hội kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển. Hai tiếng đồng bào luôn thiêng liêng, vang vọng với mỗi người VN dù trong hay ngoài Đảng, ở trong hay ngoài nước… “Chấp nhận ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của Tổ quốc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, hận thù, chân thành đoàn kết, hòa hợp thành một khối thống nhất, tin cậy lẫn nhau…” - dự thảo viết. 

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo