Phát triển các khu kinh tế ven biển: Thiếu quy hoạch và tầm nhìn
Nhiều bất cập
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trước diễn biến thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các khu kinh tế thời gian gần đây, đặc biệt là trước sự rút lui của 2 dự án: Dự án nhà máy thép của Tập đoàn Tata ở Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng và Dự án sản xuất động cơ ôtô Hyundai của Cty CP ôtô Trường Hải ở KKT Chu Lai.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), khẳng định: “Đây chỉ là những trục trặc nhỏ, không phải hiện tượng phổ biến tại VN hiện nay”. Vì theo ông Quân, lý do mà Tập đoàn Tata rút lui là do họ không đáp ứng được các điều kiện quy định về đầu tư của Hà Tĩnh cụ thể là việc ứng trước tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho địa phương.
Trong khi trước đó, một số DN khác đầu tư tại đây đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu này. Ngoài ra, KKT Vũng Áng đã có dự án thép rất lớn của Tập đoàn Fomosa nên việc Tata tự nguyện xin rút khỏi dự án thép ở Vũng Áng để chuyển sang đầu tư một dự án điện rất lớn ở VN cũng là điều hợp lý...
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Trần Đình Thiên thẳng thắn chỉ ra rằng: Quy hoạch phát triển các KKT tại Việt Nam đang có nhiều bất cập. Cần đặt ra vấn đề, nhà máy luyện thép ở VN có quá nhiều hay cơ cấu sản xuất thép tại VN có vấn đề? VN đang hướng tới sản xuất ra loại thép chất lượng cao, không cần sản xuất nhiều thép hơn nữa, trong khi nguồn năng lượng đang còn hạn chế.
“Chúng ta cần có quy hoạch phát triển cho các KKT, khu công nghiệp trước khi mời gọi nhà đầu tư tham gia, không nên để đến khi dự án có vấn đề, nhà đầu tư bỏ cuộc, báo chí phản ánh mới đặt ra vấn đề quy hoạch. Đặc biệt, ngay trong Bộ Công Thương, cần nhìn thấu được quy hoạch phát triển các ngành liên đới chặt chẽ với nhau như ngành điện, ngành thép... thì chúng ta sẽ “gỡ” được những tình huống dạng này”, ông Thiên nhấn mạnh.
Thách thức cả cơ chế và vốn
Theo thống kê của Bộ KHĐT hiện diện tích đất của các dự án đầu tư SXKD trong các KKT mới đạt khoảng 9% tổng diện tích đất dành cho SXKD. Nếu so với các khu công nghiệp trong cả nước, quy mô các khu kinh tế lớn gấp 10 lần nhưng sự đóng góp về chỉ tiêu sản xuất và nộp ngân sách thì lại thấp hơn rất nhiều. Tổng doanh thu những năm gần đây từ các KKT khoảng 6 - 8 tỉ USD/năm. Đóng góp ngân sách hằng năm chỉ khoảng 500 - 600 triệu USD.
Mặc dù đã có gần chục năm phát triển nhưng ngay cả KKT biển đầu tiên của cả nước là Chu Lai được xây dựng từ năm 2003 đến nay cũng mới thu hút được 66 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1,7 tỉ USD, trong đó có 45 dự án đang hoạt động với tổng vốn thực hiện chỉ đạt 600 triệu USD.
Còn với KKT Dung Quất - một hình mẫu KKT được đánh giá là phát triển đồng bộ và thành công nhất tại VN, nhưng hiện đang có dấu hiệu chững lại bởi mới chỉ phát triển dựa vào “xương sống” của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, mà chưa tìm được hướng phát triển mới...
Phải chăng, việc các bộ, ngành liên quan ngồi lại bàn bạc để đi đến thống nhất với nhau trong việc đưa ra mục tiêu, quy hoạch phát triển cho từng KKT, KCN, từng ngành... là quá khó. Vì những khuyến nghị của ông Thiên cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác đã được đưa ra rất nhiều tại các cuộc hội thảo về quy hoạch phát triển công nghiệp nói riêng cũng như quy hoạch phát triển các KKT, quy hoạch phát triển kinh tế vùng...
Chính phủ đã rất nỗ lực, sáng suốt để lựa chọn ra 5 trong số 15 nhóm KKT ven biển để đầu tư, với kỳ vọng 5 khu kinh tế này sẽ tạo ra được những đột phá lớn về KTXH ở những vùng kinh tế trọng điểm. Lựa chọn này cũng thể hiện quyết tâm đổi mới đầu tư công trong khi nguồn lực của chúng ta còn hạn chế. Thế nhưng, để kết quả của quyết tâm này khả thi, VN cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực đổi mới thể chế.
5 nhóm khu kinh tế ven biển bao gồm: Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) - Dung Quất (Quảng Ngãi); Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); khu kinh tế đảo Phú Quốc và Cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang).
End of content
Không có tin nào tiếp theo