Thị trường

Phát triển cây mắc ca tỷ đô ở Tây Bắc

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc vừa đồng ý nguyên tắc xây dựng đề tài khoa học "Phát triển cây mắc ca ở vùng Tây Bắc".

 Cây mắc ca cho quả “khủng” ở Lâm Đổng (ảnh: Người Lao Động)

 
Phó Thủ tướng giao Chủ nhiệm "Chương trình khoa học, công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ lựa chọn đề tài cho phù hợp, tránh trùng lắp, chồng chéo.
 
Thực tế, nhiều cây lấy hạt ở Việt Nam đạt đỉnh cao về kinh tế như cà phê, hồ tiêu... lại đang phải đối diện với thách thức do sự già cỗi của các vườn cây. 
 
Trong khi đó, cây mắc ca nổi lên như một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao với ưu thế vòng đời lên đến hơn 60 năm.
 
Cây mắc ca được đưa vào trồng tại Việt Nam từ năm 2000 với diện tích mới đạt trên 2000 ha và có khoảng 10 giống mắc ca được đánh giá phù hợp với vùng Tây Nguyên, Tây Bắc.
 
Mắc ca là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cây cà phê, cây điều và lại có thị trường tiêu thụ rất lớn, hiện mức cung không đủ cầu.
 
Cây mắc ca có xuất xứ từ Úc. Có những giá trị dinh dưỡng vượt trội hơn hẳn nhiều loại cây lấy hạt khác, hạt mắc ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”. 
 
Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.
 
T. Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo