Thị trường

Phát triển cây mắcca tại Việt Nam: Cần tránh bẫy giá rẻ

Một ngân hàng cho biết sẽ đầu tư 20.000 tỉ đồng cho nông dân Tây Nguyên trồng cây mắcca, với diện tích lên tới 250.000ha... Đây là kế hoạch đưa Việt Nam thành cường quốc mắc ca. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nhiều vấn đề phải thận trọng, đặc biệt là bẫy giá rẻ.

 

Kế hoạch táo bạo

 
Cây mắc ca được trồng thành công năm 1858 tại Australia, hạt được sử dụng làm thực phẩm như hạt điều hoặc ép tinh dầu, làm dung môi trong sản xuất mỹ phẩm, hương liệu, dược phẩm. Theo tính toán của các chuyên gia, 1ha cây mắc ca năm thứ 7 tại Việt Nam thu được 5 tấn hạt, với giá 200.000 đồng/kg như hiện nay, tổng giá trị khoảng 800 triệu đồng, cao gấp 9 lần cây càphê. Về khả năng tiêu thụ, thế giới cần khoảng 400.000 tấn/năm nhưng mới được đáp ứng khoảng 100.000 tấn. Lợi thế của Việt Nam là điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp nên năng suất rất cao - một số vườn cây tại tỉnh Đắc Lắc thu được 20 tấn quả/ha, gấp đôi năng suất bình quân thế giới. Cũng do không nhiều nước trồng được mắc ca, sau 50 năm phát triển, thế giới chỉ có 78.000ha, tập trung chủ yếu ở Australia, Mỹ, Trung Quốc... Đây cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam.
 
Ở nước ta, mắc ca đã được trồng thử nghiệm từ năm 1994, nhưng do khó khăn về đầu ra nên diện tích tăng chậm. Những năm gần đây, nhu cầu thế giới tăng mạnh, nông dân các tỉnh Tây Nguyên bắt đầu trồng nhiều, một số doanh nghiệp cũng đầu tư và cam kết bao tiêu sản phẩm. Hiện Tây Nguyên có gần 2.000ha mắcca - trong đó Đắc Lắc 800ha, Đắc Nông 600ha, Lâm Đồng 400ha. Riêng tỉnh Đắc Nông đã công bố quy hoạch phát triển 14.000ha, xây dựng 2 vườn ươm, một nhà máy chế biến. Được Bộ NNPTNT giao nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển mắc ca tại Tây Bắc và Tây Nguyên, Viện Điều tra quy hoạch rừng bước đầu xác định Tây Nguyên có khoảng 1 triệu hécta đất phù hợp với loại cây này, trong đó 200ha phù hợp ở mức độ cao.
 
Tại Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên” do Ban Kinh tế trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức hôm 7.2 vừa qua, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết đã sẵn sàng cho nông dân Tây Nguyên vay 20.000 tỉ đồng để trồng 250.000ha mắc ca. “Trước mắt là cho vay tín chấp, sau này sẽ nhận thế chấp vườn cây, ngoài ra ngân hàng còn mua bảo hiểm vườn cây cho nông dân và tự chịu rủi ro, do vậy nếu gặp rủi ro nông dân cũng không mất gì” - Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - khẳng định. Không chỉ cho vay vốn, LienVietPostBank còn trực tiếp đầu tư 5.000ha mắc ca thông qua Cty CP Tập đoàn Liên Việt, còn Cty CP Him Lam đang xúc tiến xây dựng các nhà máy chế biến. Với kế hoạch táo bạo này, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc mắc ca chỉ trong 10 năm tới.

Coi chừng “vết xe đổ”
 
Quyết tâm của LienVietPostBank và Tập đoàn Him Lam nhận được sự ủng hộ của Ban Kinh tế trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, cây mắc ca đang mở ra cơ hội thay đổi lớn cho nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Ông Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho rằng: “Với tiềm năng đặc biệt và kết quả khảo nghiệm, chúng ta có quyền tin tưởng về một vị trí xứng đáng của Việt Nam trên bản đồ mắc ca khu vực và thế giới”.
 
Song theo các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương, việc phát triển mắc ca tại Việt Nam còn một số vấn đề phải tập trung giải quyết. Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Đình Mạnh - Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, Đắc Nông, địa phương có diện tích mắc ca lớn nhất - cho biết: “Vòng đời của cây mắc ca là hơn 60 năm, nếu không kiểm soát được giống là thiệt hại rất lớn, do vậy cần lựa chọn các giống mắc ca cho giá trị cao để tránh trở thành nước xuất khẩu lớn nhưng giá bán lại thấp”. Lo ngại này được nhiều người chia sẻ, bởi đây là “vết xe đổ” của ngành càphê - hiện Việt Nam dẫn đầu thế giới về sản lượng càphê robusta, nhưng đây là càphê giá rẻ. 
 
Theo GS Hoàng Hòe - Chủ nhiệm dự án mắc ca trong Chương trình hợp tác nhà nước Việt - Úc, việc phát triển cây mắc ca cần phải làm dần, không thể nóng vội được. Thời gian qua là quá trình khảo nghiệm, nhưng cần thêm 5 - 10 năm nữa mới chọn được các giống mắc ca có giá trị cao, phù hợp nhất với Việt Nam”. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch, chế biến, tìm kiếm thị trường cũng được khuyến cáo phải tiến hành tích cực, thận trọng trước khi đưa mắc ca vào trồng đại trà với tham vọng lớn.
 
Thao Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo