Phát triển chợ truyền thống để giải tỏa chợ cóc
Để Hà Nội không còn chợ cóc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bên cạnh việc đẩy mạnh giải tỏa đòi hỏi ngành công thương cũng như UBND các quận, huyện, thị xã phải đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống chợ truyền thống.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn tại buổi kiểm tra hệ thống chợ Hà Nội, ngày 28/10.
Thiếu chợ dân sinh
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã giải tỏa 150 tụ điểm chợ cóc, nhưng hiện vẫn tồn tại 127 tụ điểm, trong đó có 118 tụ điểm trong nội thành. Việc còn tồn tại một lượng lớn chợ cóc cho thấy, UBND một số quận, huyện chưa đẩy mạnh hoạt động chống tái lấn chiếm sau khi giải tỏa, công tác phối hợp giải tỏa ở các địa bàn giáp ranh còn hạn chế… Điều đó dẫn đến tình trạng dẹp xong tụ điểm này lại phát sinh nhiều tụ điểm khác. Bên cạnh đó, người dân có thói quen tiêu dùng "tiện đâu mua đấy" đã phần nào khiến việc giải tỏa các tụ điểm này gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hoa - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, phần lớn các tụ điểm chợ cóc tái họp xuất hiện ở các quận nội thành do nhu cầu tiêu dùng của người dân rất lớn. Trong khi đó, việc sắp xếp, bố trí địa điểm xây dựng mới các chợ phục vụ dân sinh tại các quận gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc thu hút đầu tư xây dựng chợ dân sinh đang có dấu hiệu chững lại nên trong một thời gian dài không có dự án mới nào được triển khai.
Khảo sát thực tế cũng cho thấy, tại địa bàn một số quận, hay các khu đô thị mới, quy hoạch hệ thống chợ còn thiếu cũng là nguyên nhân không nhỏ làm gia tăng tình trạng chợ cóc mọc tràn lan.
Ghi nhận tại buổi kiểm tra hệ thống chợ trên địa bàn các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, nhiều hộ kinh doanh tại chợ truyền thống than phiền, trước đây, phí sửa chữa, cải tạo địa điểm kinh doanh chợ ở mức vừa phải… nhưng khi thực hiện việc ưu tiên giao DN quản lý, những chi phí này tăng mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, tại một số quận, mặc dù người dân có nhu cầu mở rộng hệ thống chợ dân sinh, nhưng quận không còn quỹ đất để đầu tư xây dựng khiến phát sinh nhiều tụ điểm chợ cóc gây mất hiệu quả hoạt động của chợ chính.
Tăng cường đầu tư
Ông Trần Ngọc Nam - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT và đại diện các sở, ngành có chung ý kiến: Trong thời gian qua, thực hiện việc xã hội hóa hoạt động xây dựng chợ, UBND TP Hà Nội đã cho phép một số DN đầu tư vào lĩnh vực này. Trong giai đoạn từ 2011 - 2013, TP Hà Nội đã đầu tư gần 204 tỷ đồng cho việc cải tạo, đầu tư xây mới 89 chợ. Hiện nay, trên địa bàn TP còn 15 chợ hạng 2 và 3 đang thực hiện đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư lên đến 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh việc cải tạo xây mới hệ thống chợ dân sinh, bên cạnh sự nỗ lực của DN, UBND TP nên có kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, thực tế hệ thống chợ dân sinh không theo kịp với tốc độ đô thị hóa đòi hỏi Sở Công Thương và Sở QH-KT cần đẩy mạnh việc xây dựng quy hoạch mạng lưới chợ dân sinh.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị: "Trong thời gian tới Sở Tài chính, Cục Thuế TP nên có cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập DN... Đây là giải pháp khuyến khích, thu hút DN tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ dân sinh qua đó hạn chế việc phát sinh chợ cóc. Đồng thời, trong quá trình xây mới chợ truyền thống, DN phải bố trí các hộ kinh doanh lương thực, thực phẩm tại tầng 1 chứ không bố trí kinh doanh ở tầng hầm như hiện nay...".
Nhằm đẩy mạnh việc cải tạo, xây mới chợ dân sinh để thu hút người kinh doanh từ đó hạn chế đến mức cao nhất chợ cóc, chợ tạm... Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo: Trong thời gian tới, với những chợ dân sinh đã được xây mới theo mô hình chợ - trung tâm thương mại, ngành thuế cũng như DN đầu tư, quản lý cần giảm bớt một phần tiền thuế cũng như các chi phí khác. Đối với những chợ đang chuẩn bị xây mới như chợ Thành Công B, Ngã Tư Sở, Châu Long... nên theo mô hình chợ truyền thống và phải công khai cho người dân biết. Điều này sẽ góp phần thu hút các hộ kinh doanh vào chợ, ngăn chặn chợ cóc phát triển. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu UBND các quận, huyện bên cạnh giải tỏa chợ cóc, nhất là những chợ nằm cạnh đường giao thông cũng cần phối hợp với Sở Công Thương trong việc bố trí địa điểm cho các hộ kinh doanh tại chợ truyền thống.
Theo Kinh tế & đô thị
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo