Phạt Xâm hại di sản: “Giơ rất cao, nhưng đánh quá khẽ”
Vi phạm như cơm bữa
Sai phạm trong trùng tu tôn tạo di tích, xâm hại và xây dựng vô tội vạ tại các di tích hay di sản tầm cỡ không lạ lẫm ở nước ta. Mới nhất là công trình đường dẫn lên núi Cái Hạ gồm 2 nghìn bậc đá tại vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới Tràng An. Công ty CP Du lịch Tràng An tự ý dựng lên con đường xuyên lõi di sản, tự đặt tên “Tràng An cổ” để kinh doanh. Việc xây dựng công trình này của Cty CP Du lịch Tràng An phạm phải một số khoản của Điều 13, Luật Di sản Văn hoá với nội dung nghiêm trọng như “huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh”. Hành vi xây dựng đó “làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới xây dựng trái phép”.
Vi phạm tại di tích quốc gia chùa Khúc Thuỷ (Thanh Oai) cuối 2017 từng khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ngôi chùa cổ bị hàng loạt hạng mục xây mới như nhà Tăng, nhà Ni, tượng đài Phật, bếp ăn của nhà sư và phật tử lấn át. Từ Tam quan tới Tiền đường được tân trang, thay đổi diện mạo hoàn toàn trong quá trình tu bổ gắn mác công trình 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hơn 100 pho tượng Phật ngồi trên bệ sen đặt trong sân chùa, hơn 50 tháp đá đều thuộc diện do người dân công đức được đặt vô tội vạ trong di tích. Sau một loạt văn bản, cuộc kiểm tra liên ngành, Sở VHTT Hà Nội đưa ra giải pháp cắm mốc giới bảo vệ di tích gốc, đề nghị địa phương và nhà chùa di dời những hiện vật không phù hợp.
Công trình mới và bề thế mọc lên tại khu vực Thiên Trù, chùa Hương thời gian trước cũng từng gây xôn xao dư luận. Hương nghiêm pháp đường được xây dựng theo đồ hình Mandala gồm hai tầng mái mỗi chiều 25m. Khu vực Hương Sơn được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1962, mọi việc xây dựng trong khu di tích phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, tuy nhiên công trình này mọc lên không phép. Dù ảnh hưởng không nhỏ tới không gian ở khu vực 1 di tích nhưng các nhà quản lý và chuyên gia đều cho rằng may mắn nhất là không xây dựng ở trục tâm linh chính. Cái gọi là xử lý sai phạm sau một hồi bàn lên bàn xuống là tháo dỡ mấy tháp đá trang trí ở lan can, một số con giống trang trí không phù hợp.
Nên coi là trọng án
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên ký văn bản số 845 ngày 8/3 gửi UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị “xử lý nghiêm minh đối với các hoạt động xây dựng trái phép tại khu vực núi Cái Hạ, hoàn trả mặt bằng, cảnh quan môi trường của Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”. Trước đó ngày 7/3, UBND tỉnh Ninh Bình thành lập đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh để thanh tra toàn diện đối với Cty CP Du lịch Tràng An. Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL nêu quan điểm không muốn “phạt cho tồn tại”, nên vẫn chưa lập biên bản vi phạm hành chính của công ty nêu trên, đồng thời chờ phương án của địa phương.
GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia phân tích, sự việc vi phạm ở Tràng An dễ khiến người ta nghĩ tới chuyện địa phương muốn “đẩy vào sự đã rồi”, bởi vi phạm được phát hiện suốt nửa năm nhưng chỉ có các văn bản qua lại cho tới khi công trình hoàn thiện và đón khách tham quan. Sự việc ở Tràng An cho thấy sự bất cập trong quản lý di tích, di sản ở nhiều địa phương: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Tràng An do ban quản lý trực thuộc Sở Du lịch quản lý, Sở Văn hoá và Thể thao Ninh Bình không có tiếng nói. Đáng nói hơn, mặc dù Sở Du lịch Ninh Bình có tới bốn văn bản gửi UBND huyện Hoa Lư đề nghị xử lý, huyện không hề hồi đáp. Sở trực tiếp báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình, nhưng tỉnh chỉ có văn bản yêu cầu địa phương xử lý, không có báo cáo gửi Bộ VHTTDL và cấp cao hơn.
“Mấy chục năm hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hoá, nên chúng tôi rất phấn khởi khi kinh tế di sản khởi sắc. Tuy nhiên thấy người ta hành xử tuỳ tiện thì đau lòng lắm. Nhiều vi phạm ở nước ta lâu nay bị coi thường nên ý thức pháp luật của các bộ ngành kém đi. Chúng ta xử lý không đầy đủ theo quy định của pháp luật. Theo tôi phải coi đây là trọng án, không thể phê bình và để yên được”, GS.TS Trương Quốc Bình nói. Một chuyên gia khác cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các vụ xâm hại di tích, di sản tái diễn ở mức độ nghiêm trọng do “chưa ai bị bỏ tù”.
Xử nghiêm làm gương
GS.TS. Trương Quốc Bình mong muốn “Chính phủ kiến tạo có giải pháp hữu hiệu, kịp thời bảo tồn kho tàng di sản dân tộc. Nếu để tình trạng vi phạm như ở Tràng An, chúng ta sớm chẳng còn gì trong tương lai”. Ông cho rằng ngoài đơn vị xây dựng vi phạm thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Đồng quan điểm, TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp thường trọng lợi ích riêng và xem thường quản lý di tích, vì thế cần phải xử lý nghiêm để có tính răn đe, cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, huyện, phòng Văn hoá Thông tin, Sở Du lịch, Sở Văn hoá thể thao vì để xảy ra sai phạm nghiêm trọng. “Đơn vị gây sai phạm cần bỏ tiền túi ra tháo dỡ. Nếu chúng ta để công trình tồn tại, tất cả di tích khác đều không quản được và dẫn đến coi thường pháp luật. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng tới niềm tin của UNESCO đối với Việt Nam trong quản lý các di sản thế giới”, TS. Trần Hữu Sơn nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc