Phẫu thuật ghép đầu người: Triển vọng và những nghi ngờ
Ai sẽ trở thành người đầu tiên được ghép đầu?
Bệnh nhân đầu tiên là anh Valery Spiridonov, 31 tuổi, chuyên gia máy tính người Nga, mắc chứng teo cơ hay bệnh Werdnig-Hoffman, từ khi mới được 1 tuổi. Đây là căn bệnh di truyền hiếm gặp, làm cho cơ thể “tự khóa” trong hình hài bản thân, cơ bắp ngưng phát triển, xương biến dạng, tình trạng sức khỏe suy sụp từng ngày. Hiện cơ thể Spiridonov đã teo tóp, trừ chiếc đầu, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn trong suốt 20 năm qua. Nếu không can thiệp, số phận sẽ bi thảm hơn, gây đau đớn khó chịu. Chính Spiridonov cũng thú nhận: “Tôi không có nhiều lựa chọn, nếu không chớp lấy thời cơ thì số phận của tôi không biết sẽ ra đi đến đâu”.
Ca phẫu thuật lịch sử sẽ do bác sĩ Sergio Canavero, người Italia, đảm nhận, được đặt tên là dự án HEAVEN (Thiên đường), tít này lấy từ chữ đầu của cụm từ tiếng Anh Head Anastomosis Venture (Phẫu thuật nối hai phần của cơ thể). Theo bác sĩ Sergio Canavero, từ khi có thông tin ghép đầu người được thông báo, ông đã nhận được rất nhiều thư từ và email của bệnh nhân gửi đến xin được tham gia, nhưng ca đầu tiên sẽ giành cho nhóm bị teo cơ. Sergio Canavero còn cho hay, ông và các đồng nghiệp có đầy đủ cơ sở khoa học và phương tiện, hy vọng cuộc phẫu thuật HEAVEN sẽ thành công.
Phẫu thuật sẽ diễn ra như thế nào ?
Theo tờ Daily Mail của Anh, ca phẫu thuật sẽ được thực hiện trong thời gian 36 giờ. Cả bệnh nhân và người hiến xác đều bị cắt rời phần đầu khỏi thân trong cùng một thời điểm. Đầu của bệnh nhân sẽ được ghép vào thân của người hiến tặng bằng một chất keo “thần kỳ” có tên là polyethylene glycol, có tác dụng giúp hóa lỏng cột sống của hai bộ phận tách rời và liên kết lại. Sau khi ghép thành công, bác sĩ tiếp tục nối cơ, mạch máu, dây thần kinh và các bộ phận khác. Bệnh nhân sẽ trong tình trạng hôn mê sâu chừng 4 tuần để tránh cử động, di chuyển cho đến khi hai phần ghép thích ứng với nhau. Khi tỉnh, bệnh nhân vẫn phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao nhằm ngăn chặn tình trạng thải ghép giống như các thủ thuật cấy ghép nội tạng khác. Thành công của ca mổ là khi tỉnh giấc, đầu bệnh nhân “hội nhập” với cơ thể, các hoạt động của toàn bộ cơ thể không đổi, nhất là giọng nói và ý nghĩ.
Sau 2 năm chuẩn bị, bác sĩ Canavero và êkíp gồm 150 bác sĩ sẽ thực hiện ca đại phẫu có một không hai này, giống như trong phim kinh dị với chi phí ước khoảng 7,5 triệu bảng Anh (tương đương trên 235 tỉ VND), thậm chí có người còn ước tính lên tới từ 10 - 100 triệu USD (220 triệu - 2.200 tỉ VND), số tiền này chính phủ Nga không tài trợ, chủ yếu là nhờ vào các khoản tài trợ. Ý tưởng ghép đầu có nguồn gốc từ việc tạo quái vật Frankenstein thực hiện trên một con khỉ cách đây 45 năm bởi các nhà khoa học Mỹ, Nga và Trung Quốc. Theo đó, năm 1970, nhóm chuyên gia ở ĐH Y khoa Case Western Reserve (CHU), Mỹ, đã phẫu thuật ghép đầu cho một con khỉ, do không ghép tủy sống nên con khỉ này không cử động được và chỉ sống được 9 ngày, tử vong do hệ thống miễn dịch không chấp nhận chiếc đầu mới. Gần đây nhất, BS. Xiaoping Ren ở bệnh viện số 8, Đại học Y khoa Harbin, Trung Quốc, đã phẫu thuật ghép đầu cho hai con chuột, một chuột đen được ghép đầu trắng và một chuột trắng được ghép với chiếc đầu đen. Đây là ca phẫu thuật được tiến hành sau ca ghép đầu linh trưởng thực hiện trong phòng thí nghiệm của Ren hồi tháng giêng 2016, tất cả những dự án này vẫn đang được giữ kín. Cũng theo Xiaoping Ren, đến nay đã có 10 người tự nguyện đến nhờ ông ghép đầu hộ, trong đó có một thanh niên trẻ đã vượt quãng đường dài gần 1.800 km đến cầu cứu và mong được trở thành bệnh nhân đầu tiên. Được biết, bác sĩ Xiaoping Ren cũng sẽ là một số thành viên trong nhóm phẫu thuật của bác sĩ Canavero trong ca phẫu thuật nói trên.
Triển vọng và những hoài nghi
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN, Canavero cho biết mọi thứ đã sẵn sàng. Đầu của bệnh nhân Spiridonov sẽ được cấy vào cơ thể của một người bị hôn mê sâu, không có khả năng hồi tỉnh để mang lại cơ hội sống cho cả hai. Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật này, bác sĩ Canavero đã nghiên cứu tỉ mỉ ca phẫu thuật do bác sĩ Roberrt White ở Đại học CHU thực hiện năm 1970. Sergio Canavero thực sự là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, ông đã phẫu thuật thành công nhiều ca hóc búa và cũng là người có nhiều ý tưởng tác bạo, nên được người ta gọi là bác sĩ Frankenstein hiện đại, thậm chí còn bị phê bình là “dở hơi, lẩn thẩn”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tuy thử nghiệm thành công trên động vật nhưng việc ghép đầu người phức tạp hơn rất nhiều, nếu không nói là hoang tưởng, thậm chí có người còn cho rằng phẫu thuật còn tệ hơn cả cái chết. Mặc dù phẫu thuật ghép đầu chưa từng được thử nghiệm bao giờ, nhưng bác sĩ Canavaro quả quyết, với thành tựu khoa học y khoa hiện đại, con người có thể thực hiện thành công ca phẫu thuật đầu, giống như chinh phục vũ trụ. “Khoa học phát triển được là nhờ sự mạo hiểm, có những người giám xả thân vì khoa học, sẵn sàng chấp nhận rủi ro”, bác sĩ Canavero cho hay. Còn về phía bệnh nhân Spiridonov, anh và gia đình hoàn toàn tin tưởng, hiểu được những mối hiểm nguy. “Tôi sợ không còn sống được bao lâu để thấy những bước đi tiếp theo của dự án nhưng tôi cho rằng muốn thành công trước tiên con người phải hành động. Tôi rất tự hào là bệnh nhân cấy ghép đầu đầu tiên của nhân loại”, Spiridonov tâm sự.
Tuy tò mò, mong đợi nhưng cũng có rất nhiều người bày tỏ không tin tưởng vào dự án của Sergio Canavero. Giáo sư Thomas Cochrane ở Trung tâm luân lý sinh vật Viện Y học Havard cho rằng, trong vòng 2 năm để nhóm phẫu thuật nắm chắc mọi vấn đề và kỹ thuật phẫu thuật là quá ngắn, bởi trình độ khoa học hiện tại chưa đủ tầm để “với tới”, đặc biệt là giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyên môn, đúng hơn là kỹ thuật ghép nối não với hệ thống trung khu thần kinh, chưa kể, kết nối não với máy tính, lĩnh vực này hiện cũng chưa chín muồi, nói ngắn hơn Sergio Canavero chưa hề có sự chuẩn bị đầy đủ, khó có thể thành công trpng ca phẫu thuật hóc búa này .
Tuy còn quá sớm đánh giá về kết quả, nhưng phần lớn cho rằng đây là “điểm nhấn” tiến hóa trong y học. Để hậu thuẫn, y học hiện đang triển khai nhiều nghiên cứu về tế bào gốc, tạo ra những vật liệu quan trọng phục vụ cho việc cấy ghép. Cấy ghép đầu thực sự là mới mẻ và đầy tiềm năng, giúp hạn chế những căn bệnh liên quan đến não, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể, như: bệnh đái tháo đường, nhóm bệnh di truyền như loạn dưỡng, bệnh bại liệt… cả những căn bệnh không liên quan đến đầu nhưng sau phẫu thuật sẽ biến mất. Ngoài ra, cơ thể mới còn tạo điều kiện cho chiếc đầu cấy ghép phát triển bình thường và khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ hoặc có đủ thời gian để chờ bộ phận hiến tặng cấy ghép. Kỹ thuật ghép đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề đạo đức hoặc cả những vấn đề tế nhị khác mà người ta chưa lường hết, giống như kỹ thuật nhân bản mà lâu nay đang được dư luận đề cập.
End of content
Không có tin nào tiếp theo