Tin tức - Sự kiện

Phí đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ được khấu trừ thuế

Theo đề xuất của Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội), nhà nước sẽ hỗ trợ về mặt chính sách thuế để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia loại hình bảo hiểm hưu trí bổ sung.

(TBKTSG) Cụ thể, khi tham gia đóng góp bảo hiểm hưu trí bổ sung các khoản đóng góp của người lao động được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân, các khoản đóng góp của người sử dụng lao động sẽ được tính là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Thêm vào đó, người nghỉ hưu lĩnh tiền hưu hàng tháng không bị đánh thuế, chỉ đóng thuế khi rút một lần.

Ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, cho biết quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ là bảo hiểm tự nguyện, tức các doanh nghiệp có nhu cầu thì mới đăng ký tham gia và mức phí trích đóng cũng sẽ theo sự thỏa thuận của doanh nghiệp và người lao động. Ông Giang nói tại buổi lấy ý kiến cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam ngày 19/8 tại TP.HCM.

Mục tiêu của bảo hiểm hưu trí bổ sung là giúp người lao động khi về hưu sẽ có mức thu nhập từ lương hưu cao hơn cũng như giảm chi cho ngân sách nhà nước từ việc điều chỉnh tăng lương hưu hàng năm. Hiện nay khi nhà nước điều chỉnh tăng lương tối thiểu chung cho người lao động ở khu vực hành chính sự nghiệp thì cũng phải tăng lương hưu với mức tăng tương ứng. Điều này tạo áp lực lớn cho ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Sau này khi người lao động nhận được lương hưu bổ sung, có thu nhập cao hơn thì nhà nước sẽ có cơ sở tách việc điều chỉnh lương hưu cơ bản gắn với điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung, từ đó giảm áp lực chi ngân sách cho việc tăng lương hưu hàng năm hiện đang ở mức khoảng 3.000 tỉ đồng/năm.

Từ nay đến cuối tháng, Vụ Bảo hiểm xã hội sẽ lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam để trình Thủ tướng phê duyệt vào tháng 11/2013, sau đó sẽ thực hiện thí điểm vào tháng 1/2014.

Dự kiến việc thí điểm sẽ triển khai ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, và có thể cho phép thực hiện ở một số doanh nghiệp có nhu cầu và khả năng. Việc triển khai thí điểm sẽ được thực hiện khoảng ba năm, sau đó tập hợp lại các kinh nghiệm rút ra để hoàn thiện khung pháp lý trước khi áp dụng bắt buộc.

Mức đóng góp quỹ sẽ được quy định trong khoảng từ 5-22% tiền lương hàng tháng của người lao động, do người lao động và doanh nghiệp tự thỏa thuận nhưng sẽ không vượt quá 5,06 triệu đồng/người/tháng và không quá 60,72 triệu đồng/người/năm.

Hoạt động đầu tư của bảo hiểm hưu trí bổ sung do công ty quản lý quỹ thực hiện dưới sự giám sát của ngân hàng giám sát theo quy định của pháp luật. Tài sản bảo hiểm hưu trí bổ sung của người lao động thuộc sở hữu của người lao động và được quản lý trên tài khoản cá nhân của người đó, bảo đảm tách biệt với từng người lao động. Điều này có nghĩa bất kỳ lúc nào người lao động cũng có thể kiểm tra tình hình đầu tư của quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung của mình.

Tài sản đầu tư cho hưu trí cần phải an toàn, có thanh khoản và mức lợi nhuận tốt trong dài hạn. Thông thường quỹ hưu trí đầu tư trên 50% tài sản vào các loại sản phẩm thu nhập cố định như tiền gửi, các công cụ thị trường tiền tệ, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, ngoại tệ…

Theo ông Giang, hiện nay trên thế giới đã có 80 nước triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung và Việt Nam là nước duy nhất trong khối APEC chưa triển khai loại hình này.

Tuy nhiên, có một điều mà nhiều tổ chức không đề cập khi nói đến bảo hiểm hưu trí bổ sung đó là nếu công ty quản lý quỹ kinh doanh lỗ thì người lao động góp tiền vào quỹ này cũng sẽ phải chịu lỗ.

Trả lời vấn đề này, ông Giang cho rằng với cơ cấu đầu tư an toàn mà các công ty quản lý quỹ phải áp dụng đó là đầu tư phần lớn vào trái phiếu chính phủ và các tài sản sinh lãi ổn định như thị trường tiền tệ, tiền gửi thì khả năng bị lỗ là rất thấp.

 

 

Thủy Triều

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo